Thứ Hai, 03/06/2013, 12:09 (GMT+7)
.

ĐBQH Trần Văn Tấn:Góp ý dự án Luật SĐ,BS một số điều Luật Thuế TNDN

Sáng ngày 29-5-2013, Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã nêu 5 vấn đề cụ thể như sau:

Một, về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được quy định tại Khoản 5, Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật hiện hành), dự án Luật bổ sung quy định về điều kiện khoản chi được trừ phải có chứng từ thanh toán và không dùng tiền mặt đối với những hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên; đồng thời dự án luật có loại trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn do hạ tầng công nghệ và mạng lưới ngân hàng chưa thật đồng đều giữa các vùng, miền.

Để tránh việc lợi dụng quy định về mức giới hạn buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt, các chủ thể đối phó bằng việc chia nhỏ khoản thanh toán ra thành nhiều lần với mức giá trị thấp hơn so với quy định của luật. Do đó, đề nghị bổ sung vào cuối Điểm b, Khoản 1, Điều 9 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5, Điều 1 của dự án luật) nội dung quy định như sau: Trường hợp chi phí mua hàng hóa dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng ngày có tổng giá trị trên 20 triệu đồng thì chỉ được tính vào chi phí được trừ nếu có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Hai, về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, dự án luật quy định theo hướng mở rộng tỷ lệ khống chế từ 10% lên 15%; đồng thời loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế để góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng chi cho quảng cáo, khuyến mại, qua đó hỗ trợ cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Việc quy định khống chế tỷ lệ một mức như dự án luật là gây bất lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì quy mô nhỏ nên với tỷ lệ chi tối đa dù có lên 15% thì tổng chi tuyệt đối của họ sẽ nhỏ, rất khó để doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu.

Vì vậy, để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, đề nghị dự án luật quy định theo hướng mức khống chế được trừ không quá 15% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp và đề nghị bổ sung vào dự án luật quy định về lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Ba, về thuế suất được quy định tại Khoản 6, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Luật hiện hành, tại đoạn cuối Điểm 2 quy định: Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là số lao động và doanh thu bình quân của 2 năm trước liền kề, đề nghị xem xét để tăng biên độ xác định số lao động và doanh thu năm bình quân làm căn cứ để xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% từ 2 năm trước liền kề lên 3 năm trước liền kề, vì hiện nay nước ta đang trong quá trình phát triển, nhưng hiện tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thu nhập của người lao động giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, nên việc tăng biên độ xác định doanh thu theo năm của doanh nghiệp sẽ tạo cho doanh nghiệp có một thời gian ổn định thuế suất ưu đãi, nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển bình thường và đồng đều qua các năm.

Bốn, ưu đãi về thuế suất được quy định tại Khoản 7, Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 13 Luật hiện hành: Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 13, dự án luật quy định thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 Luật Nhà ở năm 2005, đề nghị dự án luật bổ sung quy định ưu đãi thuế suất đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà trọ cho công nhân, vì hiện nay việc giải quyết nơi ở ổn định cho công nhân là rất cần thiết, nên cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý an ninh trật tự ở các khu công nghiệp vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Năm, tại Khoản 4, Điều 2 dự án Luật quy định “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này”. Đề nghị dự án Luật nên quy định cụ thể: Chính phủ chỉ thực hiện hướng dẫn chi tiết đối với các điều, khoản được giao trong luật, không hướng dẫn những nội dung khác mà dự án luật không giao cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các dự án luật mà Quốc hội đã thông qua trong thời gian qua. Như vậy, Khoản 4, Điều 2 được thể hiện lại như sau: “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong luật này”.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.