Thứ Ba, 11/06/2013, 05:49 (GMT+7)
.

Thi đua là yêu nước

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp khó khăn mọi bề, nổi lên 3 thứ giặc cần tập trung đối phó, tiêu diệt: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Để động viên toàn dân, toàn quân ra sức khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ cứu quốc và kiến quốc, theo sáng kiến của Bác Hồ, ngày 27-3-1948 Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động Phong trào thi đua ái quốc, nêu rõ mục đích thi đua là “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (kể từ ngày Nam bộ kháng chiến nổ ra), ngày 11-6-1948 Bác viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, từ đó đưa phong trào thi đua phát triển sâu rộng, mạnh mẽ trong các thời kỳ cách mạng. Cho đến trước ngày qua đời, Bác có hơn 40 bài nói, bài viết về thi đua yêu nước (1).

Bác Hồ và các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tại Ðại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc. Ảnh: nhandan.com.vn
Bác Hồ và các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tại Ðại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc. Ảnh: nhandan.com.vn

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua được phát động, tạo thành các cao trào cách mạng sôi nổi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Để phát huy truyền thống thi đua yêu nước trong tình hình mới, ngày 4-3-2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 11-6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.

Tư tưởng thi đua yêu nước của Bác được cụ thể hóa thành công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) của Đảng và Nhà nước ta. Trong hoàn cảnh kháng chiến, khen thưởng chủ yếu là sự tôn vinh về mặt tinh thần.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, khuyến khích về lợi ích vật chất ngày càng có điều kiện thực hiện tốt hơn. Luật TĐKT ra đời, quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục…; kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

Trong cơ chế kinh tế thị trường, có lúc truyền thống thi đua yêu nước ít được nhắc đến, các phong trào thi đua không được tổ chức phát động rộng rãi trong nhân dân. Nhiều nơi chỉ quanh quẩn phát động ở những tổ chức, cá nhân “có chân trong Nhà nước”. Kiểu “khen thưởng lẫn nhau” này khiến một số cán bộ không còn nơi treo bằng khen, giấy khen. Có nơi còn khen thưởng không đúng đối tượng (2).

Hiện nay, khi bàn đến động lực phát triển kinh tế - xã hội, người ta thường nói tới “đầu vào, đầu ra”, lợi nhuận, cạnh tranh… Thật ra, cạnh tranh có thể coi như thi đua, và“cạnh tranh lành mạnh” có thể coi như “thi đua yêu nước”, cũng cần được khuyến khích, phát huy, tôn vinh. Vấn đề là trong khi quan tâm đến các phong trào của doanh nghiệp, doanh nhân, phải chú trọng đúng mức các phong trào thi đua yêu nước của các giới khác.

Để truyền thống thi đua yêu nước có sức sống lâu bền, luôn phát huy vai trò động lực thúc đẩy các phong trào, các cuộc vận động trong điều kiện hiện nay, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa thi đua và khen thưởng. Thi đua là đòn bẩy. Khen thưởng là động lực thúc đẩy đòn bẩy. Thi đua là gieo trồng. Khen thưởng là thu hoạch.

Thi đua phải có mục tiêu, chỉ tiêu, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, tương xứng với thành tích, công trạng. Trong khen thưởng lại có phần khen và phần thưởng. Khen là các danh hiệu, các hình thức tổ chức trao tặng, tuyên truyền… Thưởng là quà tặng vật chất, có khi bao gồm cả điều kiện hoạt động.

Thi đua yêu nước là di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Thi đua khen thưởng là chính sách của Nhà nước ta thực hiện tư tưởng của Người. Tinh thần thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là không vụ lợi, mà là hành động thể hiện lòng yêu nước: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

TRẦN  QUÂN

(1) Chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 27-3-1948 và Lời kêu gọi của Bác ngày 11-6-1948 đều dùng “thi đua ái quốc”. Về sau thường dùng “thi đua yêu nước” hơn. Chúng ta đều biết cùng một nghĩa.

(2) Ông Nguyễn Quốc Định, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau bị kỷ luật “cảnh cáo” về mặt Đảng và Nhà nước vì các khuyết điểm: có biểu hiện mất dân chủ, ban hành quyết định và điều động viên chức không đúng nguyên tắc, sai quy trình và không đúng thẩm quyền; làm chủ đầu tư gây lãng phí rất lớn về nguồn vốn đầu tư… Mặt khác, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng TĐKT của Sở, ông đã ký quyết định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho chính mình.

Liên quan đến khuyết điểm của ông, Phó Giám đốc sở Trần Hồng Dân bị kỷ luật “khiển trách” cũng được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. UBND tỉnh đã có quyết định rút lại các danh hiệu này của hai ông. Trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Trí online, ông Định nói: “Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là do tập thể phong cho tôi bằng cách bỏ phiếu kín, chứ bản thân tôi không ham mấy chuyện đó đâu!”.

.
.
.