Thứ Tư, 05/06/2013, 08:46 (GMT+7)
.

Trưởng đoàn ĐBQH TG Nguyễn Văn Danh: Góp ý dự án Luật Tiếp công dân

Quốc hội vừa họp ở Tổ để thảo luận dự án Luật Tiếp công dân. Đóng góp ý kiến đối với dự án luật, đại biểu Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần quan tâm xem xét những vấn đề cụ thể như sau:

Thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân. Đây là dự án luật có tính giao tiếp đặc thù và tính nhân văn rất cao, là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta.

Những hạn chế, bất cập trong công tác tiếp công dân thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân.

Tuy nhiên, dự thảo luật còn khá nhiều điều, khoản quy định chưa chặt, chưa giải quyết được những vấn đề vướng mắc đang đặt ra trong thực tiễn, nếu không có sự chấn chỉnh sẽ khó thuyết phục được Quốc hội thông qua. Đó là:

1. Về phạm vi điều chỉnh của luật: Chủ yếu tập trung vào tổ chức và hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức theo nghĩa “đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân”, chưa đề cập đến vấn đề hết sức quan trọng, đó là: Gắn với quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặt biệt là ở người đứng đầu. Bởi vì, mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo của người dân.

Trên thực tế, trong trường hợp người đứng đầu khi tiếp công dân cũng đồng thời trực tiếp giải quyết luôn một số khiếu nại, tố cáo của người dân. Nếu như tiếp để mà tiếp, chỉ nhận đơn, chuyển đơn thì việc tiếp công dân, đặc biệt là người đứng đầu sẽ không có ý nghĩa và cũng không cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân, vì chắc rằng sẽ không tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Do đó, trong phần phạm vi điều chỉnh của luật cần bổ sung nội dung có liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu, cũng như những cá nhân có thẩm quyền.

2. Về phạm vi đối tượng áp dụng như dự thảo luật là quá rộng (tiếp công dân của các cơ quan Nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp có sử dụng Ngân sách Nhà nước, tài sản Nhà nước), trong khi tính chất của hoạt động tiếp công dân của từng cơ quan, đơn vị là có những đặt thù nhất định, nhu cầu tiếp cũng khác nhau. Vì vậy, luật cần giới hạn đối tượng áp dụng về hoạt động tiếp công dân của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, hoặc chỉ ở các cơ quan công quyền.

3. Về trách nhiệm của người đứng đầu, dự án luật chưa nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu; chưa phân biệt rõ được trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân. Mặt khác, việc quy định “cứng” về định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu là không phù hợp, thiếu tính linh hoạt và cũng không hiệu quả (Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Giám đốc Sở tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; quận, huyện ít nhất 2 ngày trong 1 tháng; cấp xã ít nhất 1 ngày trong 1 tuần…).

Thực tế cho thấy, đối với các cơ quan thường xuyên phải tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo thì 1 ngày trong 1 tháng là quá ít, nhưng cũng có cơ quan có khi hàng tháng hoặc nhiều tháng không có người dân đến khiếu nại, tố cáo… Do đó, việc Ban soạn thảo nghiên cứu để chấn chỉnh là cần thiết.

4. Về trụ sở tiếp công dân: Quy định về trụ sở tiếp công dân và nơi tiếp công dân là chưa rõ, khó thuyết phục. Điều 7 của dự thảo luật quy định về trụ sở tiếp công dân gồm: Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; trụ sở tiếp công dân của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trụ sở tiếp công dân của quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; ba nơi tiếp công dân là: Nơi tiếp công dân của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ; nơi tiếp công dân của Sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; nơi tiếp công dân của UBND xã, phường, thị trấn.

Đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan trình cần xác định rõ hơn trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo; là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (như hiện nay); hay trụ sở tiếp công dân là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như trong dự thảo luật, vì các trụ sở tiếp công dân không có tổ chức bộ máy riêng (người làm việc tại các trụ sở này chỉ là đại diện của các cơ quan khác, như người phụ trách trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước do Tổng Thanh tra Chính phủ phân công; trụ sở tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh do Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh phụ trách; trụ sở tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND cấp huyện do Phó Chánh Văn phòng UBND huyện phụ trách).

Ngoài ra, cũng cần làm rõ trụ sở tiếp công dân ở phần giải thích từ ngữ để làm cơ sở thực hiện sau khi luật được ban hành và có hiệu lực.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.