Thứ Tư, 26/06/2013, 06:01 (GMT+7)
.

TRƯỜNG SA: Hành trình dâng trào cảm xúc

Giữa tháng Tư, một buổi sáng mát mẻ, trời xanh trong, con tàu HQ 571 vang lên ba hồi còi và nhổ neo rời Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đưa đoàn công tác số 6 đến với quần đảo Trường Sa thân yêu.

Có đi ra biển trên con tàu khá hiện đại này, chúng ta càng yêu thương hơn, quý trọng và khâm phục ông cha ta thuở trước đã giương buồm ra khơi bằng những chiếc thuyền nan đơn sơ, thiếu mọi phương tiện cần thiết nhất của người đi biển. Vậy mà, với kinh nghiệm và lòng can trường, ông cha ta đã đến đây xây dựng và giữ gìn cho chúng ta có Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là đảo Song Tử Tây (đơn vị hành chính là xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt hơn 400 hải lý, đảo Song Tử Tây đã thấp thoáng xa xa. Đêm trước đó, đoàn chúng tôi gần 200 người đều nôn nao không sao ngủ được, ai cũng mong trời mau sáng để được đặt chân lên hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế nên, dù được thông báo là 6 giờ mới bắt đầu xuống ca nô lên đảo, nhưng chưa đến 5 giờ, vầng dương còn chưa ló dạng, mọi thành viên trong đoàn đều tràn ra lan can tàu hướng về phía cái chấm nhỏ xanh thẫm thấp thoáng xa xa cuối chân trời, mong đợi từng phút…

Từ xa, đảo Song Tử Tây như hòn ngọc bích giữa đại dương xanh thẫm. Màu xanh của cây cỏ hòa quyện với màu xanh của biển trời tạo nên sự bình yên giữa chập chùng sóng nước. Làm công tác lịch sử, tôi đã đọc đi đọc lại và cố công sưu tầm tài liệu về biển, đảo. Và tất nhiên không thể thiếu, mà ngày càng đầy đặn hơn sử liệu về Trường Sa.

Bây giờ được đến với Trường Sa, lòng tôi chộn rộn khó tả. Trong lúc đặt chân lên đảo, tôi ôn lại sự kiện lịch sử trong đại:

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, 4 giờ ngày 11-4-1975, các đơn vị hợp thành gồm lực lượng đặc công Hải quân, một bộ phận Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 cùng biên đội gồm 3 tàu 673, 674 và 675 của Đoàn 125 (đoàn tàu không số) do Thiếu tướng Mai Năng (khi ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công Hải quân) trực tiếp chỉ huy, thẳng tiến Trường Sa.

3 con tàu được ngụy trang thành tàu đánh cá. Phía trên tàu là lưới, ngư cụ dùng để nghi binh; còn toàn thể cán bộ, chiến sĩ đặc công nằm ở hầm tàu. Do các đảo cách xa nhau, trong khi lực lượng ta chỉ có 3 tàu nên đã chọn cách đánh lần lượt từng đảo. Song Tử Tây là đảo được chọn giải phóng đầu tiên. Sau ba ngày hành quân trên biển, rạng sáng 14-4, các chiến sĩ ta đã bí mật áp sát Song Tử Tây. 3 giờ 55 phút các mũi đã tiếp cận, áp sát mục tiêu. Đúng 4 giờ ta bắt đầu nổ súng và chỉ sau gần 20 phút chiến đấu địch đầu hàng. 4 giờ 20 phút, cờ giải phóng tung bay trên đảo.

Song Tử Tây được giải phóng làm cho quân địch trên toàn quần đảo hoang mang, dao động. Chớp thời cơ, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 25-4, hai tàu 673 và 641 do Thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy tiếp tục thẳng tiến đến đảo Sơn Ca. 3 giờ sáng 25-4-1975, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca. Ngày 27- 4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 29-4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa bước vào thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến với đảo Song Tử Tây, ai cũng ghi nhận biểu tượng tiêu biểu là ngọn hải đăng như mắt thần của biển cả. Ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây được xây dựng tháng 5-1993, cao 36m (so với mực nước biển), với 128 bậc thang, cầu thang được xây bằng gỗ, đêm đêm vẫn cần mẫn tỏa sáng dẫn đường cho những con tàu của ngư dân vượt sóng ra khơi. Đứng trên ngọn hải đăng, chúng ta có thể nhìn bao quát cả hòn đảo Song Tử Tây và càng thấu hiểu thêm ý nghĩa Tổ quốc liêng thiêng là như thế nào.

Đảo Song Tử Tây có hình bầu dục, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài 630 mét, chiều rộng 275 mét, diện tích phần nổi và thềm san hô rộng khoảng 0,22 km2, lòng đảo thì trũng, xung quanh bờ thì cao so với mực nước biển từ 4 đến 6 mét. Trên đảo có nguồn nước lợ thuận lợi cho việc sinh hoạt và tưới cây, giúp môi trường sinh thái của đảo khá thuận lợi. Biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền, để bù lại những con sóng dội vào bờ quanh năm không ngớt.

Trong âm vang của biển cả càng trân quý cuộc sống với những sản vật vốn quen thuộc của đất liền. Ở đây, cán bộ, chiến sĩ nuôi được bò, heo, gà, vịt và trồng được nhiều loại cây ăn trái như dừa, đu đủ, chuối và nhiều loại rau xanh khác. Những loại cây trồng, vật nuôi trên đảo cùng với những cây bàng trái vuông, cây phi lao, cây phong ba… rợp bóng mát hòa quyện với con người - hai chữ Con Người viết hoa. Đó là Con Người Việt Nam vừa chiến đấu với thiên nhiên, vừa chiến đấu với các thế lực xấu.

Với cảm xúc và tâm thế đó, tôi bước từng bước đi như cố níu thời gian dừng lại để chiêm nghiệm hình ảnh khu dân cư khang trang, chắc chắn, xanh - sạch, thoáng mát như khu phố ở đất liền. Những con đường được xi măng hóa rộng rãi, hai hàng cây xanh che mát suốt ngày và những cây cột điện thẳng tắp tỏa sáng đêm đêm...

Nắng, gió và độ ẩm cao là đặc điểm tự nhiên nổi bật của các hòn đảo trên quần đảo Trường Sa. Độ ẩm cao mang theo nhiều hơi sương muối, làm cho trang bị vũ khí, khí tài nhanh xuống cấp; lương thực, thực phẩm mau hư hỏng. Tôi ước gì mình là nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ, họa sĩ... để diễn đạt cảm xúc, để thăng hoa. Và tôi không bỏ mất cơ hội, bấm liên tục như muốn thâu tóm vào ống kính máy ảnh những gì trong tầm mắt.

Những gì mà tôi mắt thấy, tai nghe hôm nay chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đặc biệt là tình cảm của người dân trên mọi miền của Tổ quốc giúp xã đảo Song Tử Tây đã được đầu tư về mọi mặt; các công trình dân sinh được xây dựng khang trang, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo. Đây là cơ sở để mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Song Tử Tây yên tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hành trình của chúng tôi tiếp tục qua đảo Sơn Ca. Đảo cát năm nào giờ đã được xây kè chắn sóng kiên cố xung quanh và những bàn tay cần mẫn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã làm nên một hòn đảo xanh tươi tràn đầy sức sống. Đây là một trong những hòn đảo xanh mát nhất trên quần đảo Trường Sa. Nhiều cây cổ thụ xanh rợp mát cả hòn đảo. Cơn mưa bất chợt buổi sáng làm cho hòn đảo Sơn Ca xanh hơn, mát hơn, đẹp hơn và đầy sức quyến rũ. Nhiều công trình quốc phòng kết hợp dân sinh được xây dựng kiên cố, chắc chắn…

Màn đêm buông xuống, từ tàu HQ 571 nhìn vào, đảo Sơn Ca càng xinh đẹp hơn, như một thành phố lung linh huyền ảo, bồng bềnh giữa biển nước bao la với bầu trời đầy sao lấp lánh ở quần đảo Trường Sa yêu dấu.

Gần cuối của cuộc hành trình, chúng tôi đặt chân lên thị trấn Trường Sa, nơi được mệnh danh là “Thủ đô” của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Hòn đảo xinh đẹp, xanh tươi nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông cuộn sóng. Chiếc cầu cảng dài 150 mét được xây dựng từ năm 1994 như cánh tay vạm vỡ, vững chãi vươn ra đón nhận những con tàu từ đất liền vượt muôn trùng sóng gió để đến với hòn đảo thân yêu của Tổ Quốc.

Một cán bộ của Quân chủng Hải quân nói với lãnh đạo đoàn: “Đảo Trường Sa bây giờ khác trước nhiều lắm. Những năm 80 của thế kỷ trước, đảo gần như trống trơn, đứng ở mé bên này có thể trông sang phía bên kia”.

Bây giờ bộ mặt của đảo cũng như đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã thay đổi rất nhiều. Từ nơi ăn chốn ở cho tới trận địa tác chiến, tất cả đều được xây dựng khang trang, kiên cố, chắc chắc. Với ý chí và nghị lực phi thường của quân và dân trên đảo, “đảo trắng” năm nào đã thành một ốc đảo xanh tươi, rợp bóng các loại cây như: Bàng trái vuông, phong ba, dừa, đu đủ và các loại rau xanh… Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng như: Sân bay, trạm thu phát tín hiệu qua vệ tinh, đài khí tượng, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, bệnh viện, trường học, Nhà khách Thủ đô… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên đảo, đưa đảo về gần với đất liền hơn.

Đi trên đảo, nghe kể chuyện biển - đảo, lòng tôi càng thấm thía về Tổ quốc thiêng liêng. Và ở chốn tiền tiêu này, những cán bộ, chiến sĩ và người dân đang tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cảm thấy rất hạnh phúc; đồng thời thấy trách nhiệm của mình càng cao cả để xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.

Cán bộ, chiến sĩ ai cũng tâm niệm: “Chúng tôi luôn luôn tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt với truyền thống bảo vệ chủ quyền đất nước, chủ quyền biển, đảo. Chúng tôi xin hứa lời hứa sắt son là sẽ vượt qua mọi gian khó để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Suốt cuộc hành trình, chúng tôi đã đặt chân đến nhiều đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong hành trình, như thường lệ của các đoàn công tác đến quần đảo Trường Sa, đoàn chúng tôi dừng lại vùng đảo Cô Lin - Gạc Ma để dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo ngày 14-3-1988.

Trong không khí thiêng liêng giữa bao la biển trời, những lời tri ân các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của đồng chí Trưởng đoàn Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, một lần nữa khẳng định, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Trường Sa và Hoàng Sa luôn là phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời, không thể chia cắt. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh từ trái tim, trí tuệ của mỗi người dân Việt Nam.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.