Thứ Sáu, 12/07/2013, 14:16 (GMT+7)
.

Góc nhìn an ninh từ Internet

Khen thưởng cán bộ, chiến sĩ lực lượng an ninh nhân dân  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Khen thưởng cán bộ, chiến sĩ lực lượng an ninh nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong thời đại hiện nay, ai ai cũng dễ dàng nhìn thấy hiệu quả - hiệu ứng tích cực từ mạng thông tin toàn cầu (Internet). Khai thác tài nguyên từ Internet là xu thế chung, thế nhưng mặt trái của nó cũng dẫn đến những hệ lụy khó lường. Đó cũng là vấn đề đặt ra cho công tác an ninh.

Đối với cá nhân, việc sơ ý đánh mất một quyển sổ lưu ký, một chiếc điện thoại hay máy tính cá nhân đồng nghĩa với một thảm họa; rất có thể banking online của bạn sẽ bị đột nhập, các tài khoản cá nhân sẽ bị lợi dụng vào mục đích lừa đảo hay tệ hơn nữa là kẻ xấu có thể dùng danh nghĩa của bạn để tham gia vào những hoạt động vi phạm pháp luật.

Hãy tưởng tượng câu chuyện xảy ra với một tổ chức, một quốc gia thì mức độ phức tạp này sẽ tăng lên theo cấp số nhân và hậu quả sẽ nghiêm trọng không ai có thể thống kê được. Gần đây nhất có thể kể đến cuộc tấn công mạng lớn nhất lịch sử vào ngày 27-3-2013 khiến Internet toàn cầu điêu đứng vì nghẽn mạng; những tin đồn trên Mạng xã hội Twitter đã khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ thiệt hại nặng nề; sự kiện WikiLeaks rò rỉ thông tin mật khiến nền ngoại giao của Hoa Kỳ khốn đốn, hay hơn thế nữa là tiết lộ của cựu nhân viên CIA về chiến dịch PRISM rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) có quyền ra lệnh cho các công ty Internet như Google hay Facebook để tiếp cận thư điện tử, các cuộc hội thoại trên mạng, hình ảnh, các tập tin và nhiều thứ khác của người dùng ở nước ngoài; hàng loạt tin tặc tấn công website của Hàn Quốc và Triều Tiên khiến tình hình an ninh mạng của hai nước này lên đến mức báo động… 

Tại Việt Nam, hoạt động chống phá Nhà nước thông qua mạng Internet đang diễn biến phức tạp. Hoạt động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm. Ngoài việc duy trì các đài phát thanh có chương trình Việt ngữ, các tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản cùng hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, chúng còn sử dụng hàng ngàn website, blog cá nhân, mạng xã hội… mang nội dung tấn công vào nền tảng lý luận xã hội chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; chúng phát tán hàng ngàn tài liệu, bài viết bịa đặt và xuyên tạc về các chủ trương, chính sách và sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam, bôi nhọ các cán bộ Nhà nước, gây kích động đòi bỏ điều 4 của Hiến pháp năm 1992…

Đáng chú ý hơn là thủ đoạn thành lập website, blog mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương đưa tin xuyên tạc nhằm thu hút lượt truy cập, dẫn thông tin lan tràn với tốc độ nhanh và khó kiểm soát. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng chiêu bài “bảo vệ dân chủ, nhân quyền” để can thiệp, gây sức ép chính trị, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, kích động biểu tình chống đối Đảng và Nhà nước…

Trong 6 tháng đầu năm, các cổng thông tin điện tử của Việt Nam trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên và có xu hướng gia tăng của tin tặc. Có trên 2.600 cổng thông tin, trang điện tử của Việt Nam bị hacker tấn công, chỉnh sửa nội dung, phát tán mã độc. Ngoài ra, còn phát hiện hơn 2.000 dòng virus máy tính mới xuất hiện gây lây nhiễm gần 4 triệu lượt máy tính; chỉ tính riêng virus W32.Sality.PE đã lây nhiễm 350 ngàn lượt máy tính trong tháng 3-2013. Đáng lưu ý là loại virus mới có tên W32.UsbFakeDrive có tốc độ lây lan rất nhanh, trong đó USB vẫn là nguồn lây nhiễm phổ biến với tỷ lệ trên 88%.

Tình trạng tội phạm sử dụng mạng Internet công cộng, sử dụng thiết bị di động thực hiện hành vi phạm tội diễn ra phức tạp; đã phát hiện gần 20 trang web, blog có chủ thể đăng ký trong nước đăng tải nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật, 33 trang web đăng nội dung đồi trụy… Riêng ở Tiền Giang, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện 3 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao làm nghẽn đường truyền hộp thư điện tử nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình đó, vấn đề quản lý Nhà nước về an ninh thông tin chiến lược trở nên hết sức cần thiết và quan trọng; đòi hỏi các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm lợi dụng mạng viễn thông Internet.

Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm của chính các cá nhân và tổ chức có tham gia hoạt động trên Internet cũng có vị trí trọng yếu. Trước tiên, mỗi người dân cần phải chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào trong cuộc sống xã hội; giúp nhau ý thức, thông hiểu và thực hiện đúng những quy định của pháp luật, nâng cao tinh thần đấu tranh cảnh giác cũng như  kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội trên Internet.

Thứ hai, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm quán triệt cho toàn thể nhân viên trong đơn vị thực hiện đúng và tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật kinh tế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đề xuất xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe giáo dục, nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh, cảnh giác.

Trong các mối liên hệ đó, vai trò, trách nhiệm của ngành Công an không thể thiếu. Để làm tốt nhiệm vụ, ngành Công an chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức và thực hành trong tin học viễn thông toàn lực lượng, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ chuyên trách nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới.

Trong bối cảnh ngành Viễn thông và Internet không ngừng phát triển ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung, với mức độ lan tỏa và ảnh hưởng ngày càng sâu sắc thì chỉ có sự đồng sức, đồng lòng giữa nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng công an mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi hành vi vi phạm pháp luật trên Internet đang ngày càng trở nên ồ ạt và tinh vi.

Đại tá NGUYỄN THANH HÙNG

.
.
.