Miễu Điền ghi dấu ấn chiến công
Miễu Điền ở xã Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo) ngoài thờ thần, hằng năm còn tổ chức lễ giỗ tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì nước, là một lễ hội truyền thống, truyền lại cho hậu thế những chiến tích anh hùng của Đảng bộ và nhân dân trong xã.
Miễu Điền - sự tích và huyền thoại
Tương truyền, vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước (khoảng năm 1921 - 1922), xã Mỹ Tịnh An bây giờ là phần đất của 3 làng: Làng Mỹ Trung, làng Tịnh Hà và làng An Khương nhập lại. Mấy năm đó, mùa màng thất bát, dịch bệnh xảy ra nhiều, bà Hộ, mẹ của Phủ Vạn, một địa chủ giàu có khét tiếng lúc bấy giờ, nằm mơ thấy có một người mách bảo phải lập đình thờ cúng bái thần linh mới mong tai qua, nạn khỏi. Tin vào mộng mị, bà Hộ cho tiến hành xây đình. Đình Mỹ Trung (sau này là Miễu Điền) ra đời từ đó.
Năm 1925, vì muốn đình ở gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại, cúng bái, Phủ Vạn cho dời đình về ấp Mỹ Trường. Nhân dân làng Mỹ Trung bất bình chống đối, làm đơn thưa kiện. Phủ Vạn thua kiện, đình Mỹ Trung được xây dựng lại với quy mô nhỏ hơn nên gọi là miễu. Miễu thờ Thần Nông cầu mưa thuận, gió hòa nên được gọi là Miễu Điền.
Năm 1936, tại Miễu Điền, Chi bộ Đảng xã Mỹ Tịnh An ra đời, do ông Võ Trọng Phụng, Phó Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo đứng ra thành lập. Chi bộ gồm 8 đảng viên, do ông Bùi Văn Khánh làm Bí thư chi bộ. Đây là lớp đảng viên đầu tiên của xã Mỹ Tịnh An. Có Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân dâng lên mạnh mẽ.
Chạng vạng tối 23-11-1940, tại Miễu Điền, Đảng đã huy động hơn 1.200 người từ các xã Mỹ Tịnh An, Phú Kiết, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh và một phần của xã Thanh Bình nổi trống, mõ vang trời, đốt đuốc sáng rực, cùng với gậy gộc, giáo, mác, tầm vông vạt nhọn vùng lên khởi nghĩa. Đoàn người vừa đi vừa nổi trống, mõ, hô vang các khẩu hiệu chống thuế, chống xâu; đả đảo bọn thực dân, phong kiến; đòi trừng trị bọn địa chủ, hội tề, tay sai ác ôn.
Đoàn kéo qua ấp Mỹ Trường đập phá nhà Phủ Vạn, đốt hết giấy tờ. Cha con Phủ Vạn, Thôn Ban sợ hãi chạy trốn ra Mỹ Tho. Đoàn tiếp tục kéo ra Tịnh Hà đập phá nhà việc, đốt sổ sách, đánh chiếm đồn Tịnh Hà. Đồn Tịnh Hà có 3 tên lính mã tà đóng giữ, hoảng sợ trước khí thế sôi sục của quần chúng đã bỏ đồn tháo chạy. Ta chiếm đồn, thu 3 khẩu súng Calipxây.
Sau đó đoàn kéo xuống ấp An Khương, qua chợ Nhật Tiên. Ở những nơi này, đoàn đều đập phá nhà việc, đốt hết sổ sách, giấy tờ và treo cờ búa liềm giữa chợ Nhật Tiên. Trong khí thế hào hùng, đoàn đi tới đâu, quần chúng nhân dân hưởng ứng tới đó. Lúc này lực lượng của đoàn lến đến hơn 1.500 người, cùng nhau kéo ra quận Bến Tranh đánh trống, mõ, hô vang các khẩu hiệu thị uy, biểu dương lực lượng rồi giải tán. Miễu Điền trở thành một mốc son lịch sử trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Miễu Điền trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945
Sau khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp ra sức đàn áp dã man. Nhiều đảng viên bị bắt, hy sinh, một số tạm thời chuyển vùng, rút vào bí mật. Cuối năm 1944, các ông Võ Trọng Phụng, Bùi Văn Dung, Huỳnh Văn Vàng (Huỳnh Hóa Đỏ) là những đảng viên nòng cốt của xã trở về tiếp tục hoạt động, gây dựng phong trào.
Chi bộ xã Mỹ Tịnh An được củng cố, kiện toàn, do ông Huỳnh Hóa Đỏ làm Bí thư. Miễu Điền trở thành nơi hội họp bí mật, các cán bộ thường xuyên đi về, tin tức, chỉ thị kịp thời được thông báo và từ Miễu Điền, ngọn lửa cách mạng được nhen nhóm, lan truyền đến tận từng xóm, ấp.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp, thời cơ đã chín muồi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức quần chúng được tập hợp, một trung đội tự vệ quân ra đời. Ngày 23-8-1945, tại Miễu Điền, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền được ban ra. Hầu hết quần chúng nhân dân trong xã, kể cả các em thiếu nhi đã được tập trung cùng với trống, mõ, gậy gộc, giáo mác, tầm vông, băng rôn, cờ, khẩu hiệu rầm rập kéo nhau ra ngã tư Tịnh Hà.
Trung đội tự vệ quân nhanh chóng chiếm nhà việc, đánh chiếm đồn Tịnh Hà. Bọn lính ở đây run sợ trước khí thế của quân khởi nghĩa, không dám chống cự. Đội Sáu, cai Nghĩa, bếp Trầu buộc phải hạ lệnh cho bọn lính buông súng đầu hàng. Xã Mỹ Tịnh An hoàn toàn được giải phóng. Một lần nữa, Miễu Điền lại ghi dấu ấn chiến công trong trang sử vàng của dân tộc.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Miễu Điền là một căn cứ cách mạng. Hàng chục tấn bom, pháo đã dội xuống nơi đây và hàng trăm trận đánh đã diễn ra tại Miễu Điền.
Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, ngày 19-1-1948, tại Miễu Điền đã ghi dấu ấn một chiến tích anh hùng. Một đại đội của Trung đoàn 105 chủ lực quân cùng với lực lượng du kích xã buổi sáng đánh bọn lính Cao Đài đi càn quét, cướp phá, diệt 20 tên, thu 7 súng; buổi chiều đánh bọn Pháp đến chi viện, diệt hơn 30 tên. Phía ta, 24 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh này.
Tại Miễu Điền, ngoài 3 lễ hội: Lễ Đưa khách 16-3, lễ Hạ điền 20-6, lễ Cầu bông 20-9 (âl), hàng năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đều tổ chức lễ giỗ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh vào ngày 19-1-1948, là một lễ hội truyền thống, truyền lại cho hậu thế những chiến tích hào hùng, oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Tịnh An, quê hương người Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG