Má Tư
Từ năm 1963 đến 1972, trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi gọi má là Má Tư. Đến tháng 12-1994, má được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì mới biết má tên thật là Võ Thị Y.
Má Y rời ấp Giồng Lãnh, xã Tăng Hòa về làm dâu ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền (Gò Công) khi mới mười bảy tuổi. Chồng má là ông Nguyễn Văn Đợi thuộc tầng lớp trung nông, là con thứ tư trong một gia đình đông anh em (10 người), vừa làm nghề biển đánh bắt hải sản vừa làm ruộng để mưu sinh. Có lẽ vì cái “gien” nhiều con nên vợ chồng Má Tư cũng tạo cho tổ ấm của mình 8 người con. Vì đông con nên gia đình phải bán đi chiếc ghe đáy rạo và mấy mẫu ruộng cũng vơi dần để lo cho con.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chồng má vào cảm tử quân để giữ chính quyền non trẻ, rồi tham gia chống Pháp tái chiếm từ năm 1946 đến 1954. Một mình Má Tư thay chồng vừa gánh vác chuyện gia đình vừa làm giao liên cho cách mạng. Việc nước, việc nhà má đều chu đáo, vẹn toàn.
Chị Hai Sa lớn lên làm ở Hội Phụ nữ xã. Anh Ba Sô đi bộ đội, năm 1954 tập kết ra Bắc. Ngày tiễn anh Sô và chồng má đi tập kết ở Hồng Ngự (Kiến Phong cũ), má đinh ninh hai cha con sẽ có dịp gần gũi nhau, động viên, giúp đỡ nhau nơi đất Bắc. Nào ngờ chỉ có anh Ba Sô đi, còn chồng má thì được tổ chức phân công ở lại miền Nam. Đồng Khởi năm 1960, chồng má được phân công về xã nhà phá thế kềm kẹp của giặc và đã hy sinh ngày 10-1-1961.
Người con thứ tư của Má Tư là anh Tư Đô tham gia địa phương quân “206 Gò Công” năm 1961, đến tháng 3-1964 cũng đã anh dũng hy sinh trong một trận chống địch càn vào xã Tân Điền.
Người con thứ năm của má là anh Năm Đốc tham gia công tác quân báo ở Huyện đội Gò Công tháng 4-1966, đến tháng 1-1968 hy sinh trong khi chiến đấu ở xã Tân Thành.
Chỉ có mấy năm mà Má Tư mất đến 3 người thân trong gia đình. Những tưởng đời má cống hiến, hy sinh đến vậy là quá lớn. Nào ngờ năm 1965 anh Ba Sô đi tập kết trở về, với vai trò kỹ sư thủy lợi của khu, anh đi công tác lo việc đào kinh chống hạn, làm cống đập ngăn mặn, rửa phèn cùng bà con xây dựng cuộc sống mới cũng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Long An).
Nén đau thương, Má Tư vẫn hăng hái tham gia Hội Mẹ chiến sĩ, chăm sóc bệnh binh, nuôi dưỡng thương binh, chôn cất liệt sĩ, tham gia đấu tranh trực diện với địch ở quận, ở tỉnh, không vắng cuộc nào.
Năm 1968, sau Tổng tấn công Xuân Mậu Thân, Má Tư lại cho anh Sáu Điểm, rồi anh Bảy Lù tiếp tục lên đường ra trận. Anh Sáu Điểm vào đơn vị 524. Anh Bảy Lù vào đơn vị Quân y tỉnh. Sau ngày toàn thắng 30-4-1975, anh Điểm là sĩ quan Huyện đội, anh Lù chuyển ngành làm thương nghiệp tổng hợp huyện. Sau đó lần lượt anh Tám Lỳ làm ở ngành Kiểm sát, anh Chín Lồi làm trong ngành Công an...
Má mất tháng 5-2007, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gò Công Đông. Nay ghi lại nhằm tôn vinh tấm gương sáng trong hàng ngàn, hàng vạn tấm gương bà mẹ Việt Nam anh hùng.
NGUYỄN QUỐC HÙNG