Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác dân vận
TRẦN LONG THÔN
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nội dung của Nghị quyết đã đánh giá khá toàn diện về những kết quả nổi bật và nêu rõ những hạn chế, yếu kém của công tác dân vận trong thời gian qua. Từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Trên cơ sở tiếp cận lý luận và tổng kết thực tiễn trong công tác dân vận qua các thời kỳ cách mạng, xin nêu lên một số vấn đề cần trao đổi để thống nhất thực hiện.
1. Về đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Thứ nhất, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần xã hội; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; tích cực phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đó là một quá trình vừa có thời cơ, thuận lợi, vừa đan xen với những khó khăn, thách thức. Đảng ta đã đúc kết bài học kinh nghiệm rất quý báu “chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”, đó là yêu cầu khách quan, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong bối cảnh mới.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; theo dõi và chỉ đạo sâu sát công tác dân vận của các cơ quan trong hệ thống chính quyền, lực lượng vũ trang, các đơn vị sự nghiệp; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành, các hội quần chúng để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên các lĩnh vực theo đúng quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; đồng thời gắn với tích cực chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”.
Thứ ba, tăng cường lãnh đạo, củng cố, kiện toàn tổ chức, chăm lo quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, phân công, bố trí cán bộ đi đôi với đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; lãnh đạo xây dựng tổ chức, định hướng yêu cầu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để phát huy hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng.
Thứ tư, tập trung lãnh đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân; tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh mới.
Thực hiện tốt các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy định về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, về giám sát, phản biện xã hội.
Thứ năm, coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả việc triển khai, quán triệt nhận thức và kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận; qua đó tổng kết lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiệu quả trước mắt và xây dựng nền tảng lâu dài trong công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Phải tích cực thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người phụ trách công tác dân vận cần phải óc nghĩ, mặt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh...”. “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.
2. Về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác dân vận
Phương pháp tiến hành công tác dân vận chiếm vị trí hết sức quan trọng, theo quan điểm của Lê-nin, gồm 3 việc chủ yếu:
- Thuyết phục, giáo dục.
- Nêu gương.
- Mở rộng dân chủ và công khai.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp dân vận phải tuyên truyền cho dân, gương mẫu trước dân, quan tâm và giải quyết lợi ích của dân. Từ đó, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, trong công tác dân vận cần tập trung những vấn đề sau đây:
Một là, lãnh đạo đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu, làm cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hiểu cơ bản về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu to lớn và rất quan trọng đã đạt được; những thời cơ, thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới và trong nước trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Qua đó, thuyết phục, vận động mỗi cơ quan, tổ chức và công dân nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời chủ động, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Tập hợp sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân tích cực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân (khắc phục tình trạng chỉ tuyên truyền suông, không gắn với vận động nhân dân thực hành những việc cụ thể, thiết thực).
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc của Đảng là “trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi”. Trong bài “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15-10-1949, Bác viết: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mittinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước hết là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
Hai là, mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải gương mẫu chấp hành và tích cực góp phần tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau); nêu cao trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo tư tưởng của Bác, tầm quan trọng về việc người cách mạng phải gương mẫu trước nhân dân “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Ba là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong các phương pháp quan trọng của công tác dân vận. Do đó, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, mỗi cơ quan, tổ chức cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở một cách nghiêm túc, sâu sát, thiết thực.
Dân chủ phải gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, kiên quyết đấu tranh, phê phán các biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để có những hành vi cực đoan, trái với pháp luật. Do đó, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa phải đi liền với quá trình nâng cao dân trí; tích cực nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Bốn là, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thật sự đổi mới và nâng cao hiệu quả, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến từ các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng trên các lĩnh vực nhằm tạo ra sức thuyết phục, lan tỏa trong công tác dân vận.
Năm là, thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát và tổng hợp, nghiên cứu các kênh thông tin, đi đôi với chấn chỉnh chế độ báo cáo, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần theo dõi, nắm chắc tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, tình hình xây dựng hệ thống chính trị; thực trạng về đời sống vật chất, tinh thần, diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của các giai cấp, các tầng lớp.
Qua đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị sát với yêu cầu thực tiễn, thật sự chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân; tăng cường mối quan hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đây cũng là yêu cầu trọng tâm để cơ quan Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phấn đấu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy nắm chắc tình hình và lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác dân vận ở địa phương.
Tóm lại, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Do đó, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng cần nghiên cứu, xác định các nội dung để tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận trên các lĩnh vực.
T.L.T