Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Mỹ Tho, Gò Công trong những ngày tháng 9-1945
Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng ngày này, thi hành Chỉ thị của Ủy ban nhân dân lâm thời Nam bộ, Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công tổ chức Mít tinh trọng thể mừng ngày độc lập của dân tộc và kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống ngoại xâm.
Cũng như nhiều nơi khác ở Nam bộ, ngay sau khi giành chính quyền, Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã nghĩ ngay đến việc chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm. Trước hết là phải có một lực lượng nòng cốt để bảo vệ thành quả cách mạng, được trang bị phương tiện chiến đấu đảm bảo và có khả năng chiến đấu giỏi.
Ngày 25-8-1945, lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc (QGTVC) tỉnh Mỹ Tho và Gò Công được thành lập. Ở cấp huyện, các đội tự vệ chiến đấu được hình thành. Chỉ trong tháng 9-1945, hầu hết các xã trong 2 tỉnh đều đã tổ chức được lực lượng tự vệ, với trang bị vũ khí thô sơ nhưng tràn đầy nhiệt huyết chiến đấu.
Lúc bấy giờ, ở Mỹ Tho, đồng chí Hàng Nhật Nguyên làm Giám đốc QGTVC, đồng chí Đặng Văn Thông làm Phó Giám đốc, phụ trách Đội Cảnh sát bảo vệ. Ở Gò Công, lực lượng QGTVC do đồng chí Minh Hồng, tức Ngô Văn Ngự phụ trách.
QGTVC ra đời vào lúc từ ngoài Bắc, trong Nam thực dân Pháp cấu kết với bọn phản động trong nước nhằm ý đồ bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ. Thế nhưng, được sự lãnh đạo sáng suốt, chặt chẽ của các đảng bộ địa phương và được sự ủng hộ rộng khắp của quần chúng, QGTVC đã lập nên những chiến công đầu.
Cụ thể, QGTVC tỉnh Mỹ Tho đã bắt nhóm “Phục quốc đồng minh hội” và “Đệ tứ quốc tế”; xử bắn những tên ác ôn khét tiếng như Hương quản Thơ, Cò Mi Long, Đội Khỏe… ở Cai Lậy. QGTVC tỉnh Gò Công cử cán bộ xuống các làng vận động quần chúng cùng chính quyền ngăn chặn những hoạt động phản cách mạng, trừng trị một số tên Việt gian phản động như Hội đồng Lời…
Thực hiện Chỉ thị của UBND lâm thời Nam bộ, từ ngày 12 đến 24-9-1945, QGTVC tỉnh Gò Công tổ chức 32 chiếc ghe ra Côn Đảo đón hơn 2.000 đồng chí tù chính trị về đất liền, trong đó có các đồng chí là cán bộ chủ chốt của Đảng như: Đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Phạm Hùng… Số đồng chí từ Côn Đảo trở về được Đảng bổ sung kịp thời cho Xứ ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công và các tỉnh khác ở Nam bộ để tham gia lãnh đạo kháng chiến.
Tại Mỹ Tho, cuối tháng 9-1945, Xứ ủy Nam bộ cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho mở hội nghị tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thể (khu vực cầu Vĩ, xã Mỹ Phong - Chợ Gạo (nay thuộc TP. Mỹ Tho), với sự tham gia của các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Hoàng Quốc Việt, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp…
Hội nghị đánh giá tình hình địch - ta và quyết định về việc củng cố chính quyền; vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, thực hiện chủ trương “Vườn không nhà trống”, “Tiêu thổ kháng chiến”; chuyển các cơ quan và lực lượng vũ trang ra khỏi thành phố; lập phòng tuyến ngăn chặn địch và bao vây cô lập địch trong các thị trấn (thị xã); xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười; lập công binh xưởng ở căn cứ; bao vây kinh tế địch; trấn áp bọn phản cách mạng…
Đây là cuộc hội nghị rất quan trọng, được tổ chức trong hoàn cảnh bọn mật thám, chỉ điểm ráo riết hoạt động ngày đêm nhằm tìm kiếm tiêu diệt cán bộ cách mạng. Thế nhưng, lực lượng QGTVC tỉnh Mỹ Tho bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đã cùng với quần chúng giác ngộ cách mạng bảo vệ tuyệt đối an toàn suốt thời gian hội nghị.
HỒNG CHI