Thứ Tư, 18/09/2013, 08:54 (GMT+7)
.

Kỷ niệm 23-9: Quyết giữ cho được mặt trận kinh xáng Lacomb

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã mưu toan trở lại đặt ách nô lệ lên nhân dân ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, quân Pháp núp bóng quân Anh nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào Nam bộ đấu tranh để giữ vững nền độc lập, tự do của nước nhà.

Lúc này, tại Thị xã Mỹ Tho có hơn 1 lữ đoàn quân Nhật đang chờ hạ vũ khí. Âm mưu của thực dân Pháp sử dụng bọn Nhật này cùng với bọn cầm đầu các tổ chức phản động đánh phá chính quyền cách mạng.

Chấp hành chỉ đạo của Xứ ủy, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho chủ trương phải nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang song song với triển khai mọi công việc khác cho cuộc kháng chiến. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, mỗi xã trong tỉnh đều có từ 1 đến 2 tiểu đội, có nơi có 1 trung đội dân quân, trang bị giáo, mác, gậy gộc do chi bộ xã trực tiếp lãnh đạo. Trong nội ô tỉnh Mỹ Tho đã có bộ đội của 2 đồng chí Phan Lương Trực và Phan Đình Lân cùng với 1 tiểu đoàn Cộng hòa Vệ binh.

Ở ngoại ô có lực lượng tự vệ của Hãng Xáng Mỹ Tho do Tỉnh ủy trực tiếp chỉ huy. Binh công xưởng được thành lập, máy móc lấy từ Hãng Xáng, thuốc đạn lấy từ đồn Rạch Cốc (Chợ Lớn). Tuy còn khó khăn, binh công xưởng cũng đã sản xuất được lựu đạn, rờ-sạc đạn. Một nguồn súng đạn nữa ta lấy được trong các tàu của Pháp bị máy bay Nhật đánh chìm trên sông Tiền, gần Thị xã Mỹ Tho và đánh bót Nhật lấy súng. Các trường bồi dưỡng kiến thức quân sự, chính trị cho cán bộ chỉ huy và huấn luyện cho dân quân được Tỉnh ủy mở ra ở Bàn Long, Vĩnh Kim, Tân Lý Tây thuộc quận Châu Thành.

Mục tiêu đầu tiên của quân Pháp chọn để chiếm đóng vùng đồng bằng Nam bộ là tỉnh lỵ Mỹ Tho. Chúng tiến xuống bằng đường bộ theo lộ Đông Dương (lộ 4) và đường thủy theo kinh Chợ Gạo. Trong thời gian này, đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ có mặt thường xuyên ở Mỹ Tho, chỉ đạo sâu sát các hoạt động của bộ đội Thủ Khoa Huân đánh địch.

Ta phá một số cầu trên lộ 4 đoạn từ Trung Lương đi Cai Lậy. Cầu Đông Hòa là cầu sắt lót ván, thôn bộ Việt Minh Long Thạnh dễ dàng huy động dân quân gỡ ván cầu. Duy chỉ có cầu Long Định là cầu đúc, tải trọng lớn, phá trong điều kiện lúc này thật khó, phải dùng mìn mà tìm chẳng có. Ta kiên trì vận động để có được nguồn cung cấp từ Lê Dư (quan hai Dư), sĩ quan phụ trách hậu cần của địch.

Chính đồng chí Tôn Đức Thắng và Kỹ sư Lê Văn Lang, người thiết kế cầu này đến nghiên cứu. Lúc đầu ta chỉ dùng 1 quả mìn để phá, cầu rung rinh nhưng không sập. Sau tổ công binh đánh cầu, do đồng chí Lê Chí Giảng chỉ huy, phải dùng cùng lúc 2 trái mìn, khối thuốc nổ tổng cộng trên 40 kg TNT thì nhịp cầu giữa mới bị hất bổng lên và rớt xuống sông.

Về các mũi tiến quân của địch, ngày 27-10-1945, 1 trung đội địch đến cầu Đông Hòa. Ta có 1 tiểu đội chặn đánh suốt ngày, hôm sau địch rút quân. Hướng khác, bộ đội Thủ Khoa Huân tập kích cụm quân địch ở ngã ba Trung Lương. Theo lộ 4 không được, ngày 4 và 5-11-1945, địch mở mũi tiến về miền Tây bằng tỉnh lộ 28 (cặp sông Tiền). Mũi này cũng không tiến được vì cầu Song Thuận bắc ngang vàm xáng đã bị ta phá sập và còn có bộ đội Thủ Khoa Huân án ngữ.

Tàu địch thọc vào kinh xáng Lacomb (kinh Nguyễn Tấn Thành) cũng bị chặn lại. Trên một đoạn dài 8 km của kinh xáng Lacomb từ vàm xáng vào đến cầu đúc Long Định, chọc vào đâu chúng cũng đụng vào phòng tuyến của ta. Các đồng chí nghi binh, bố trí từng cụm hình nộm để thu hút hỏa lực địch, kết hợp bắn tỉa những tên địch liều lĩnh vượt sông và sử dụng khí đá “bắn ống lói” gây tiếng nổ làm cho địch ngỡ ta có lực lượng đông, hỏa lực mạnh.

Vừa đánh chặn địch, các đồng chí Nguyễn Văn Thụ và Đoàn Hữu Huynh chỉ huy 2 phân đội tự vệ chiến đấu quân và cứu quốc quân - lực lượng lặn dưới nước rất giỏi, được mang tên đội “Hùng Hạo”, bí mật lặn qua sông, giả lính Nhật, ngay giữa ban ngày lọt vào phía sau địch đánh vào đoàn xe hậu cần của địch ở đoạn xã Phước Thạnh diệt một số tên địch, thiêu hủy 1 xe quân sự. Đòn tập kích vào sau lưng địch đã gây thiệt hại nặng cho địch, buộc địch phải thoái lui, tạm ngừng tiến công và chuyển hướng trở lại phía đông.

Đến giữa tháng 11-1945, địch mới trở lại mặt trận kinh xáng, nhưng cho đến tháng 12-1945 địch vẫn chưa vượt qua được cầu đúc Long Định. Thấy khả năng lực lượng tại chỗ ở Mỹ Tho không phá vỡ được mặt trận kinh xáng, địch phải vét quân tăng cường cho mặt trận kinh xáng 1 trung đoàn - một lực lượng hết sức lớn của địch lúc bấy giờ.

Điều đó càng chứng tỏ quân và dân ta đã chiến đấu hết sức ngoan cường. Một trong nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, đó là chuyện đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, bộ đội đơn vị Thủ Khoa Huân. Trong lúc hai bên đang bắn nhau tại cầu đúc Long Định, thấy 1 tên sĩ quan Pháp liều lĩnh đứng trên móng cầu cầm ống nhòm quan sát trận địa, đồng chí bình tĩnh nhắm bắn, hắn ngã xuống sông mang theo khẩu Sten. Đồng chí Thịnh đã nhảy xuống sông lặn sang mò lấy được khẩu súng rồi lặn trở về phía bên này bờ sông tiếp tục chiến đấu.

Tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân đã thực hiện thành công sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ là giữ cho được mặt trận kinh xáng Lacomb cho đến sau bầu cử Quốc hội khóa I, ngày 6-1-1946.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.