Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới
Ngày 25-9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) họp phiên thứ nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) là việc làm cần thiết, quan trọng, nhằm có cái nhìn toàn cục về tiến trình 30 năm đổi mới, trọng tâm là giai đoạn 10 năm gần đây (2006-2016); trên cơ sở kế thừa những kết quả, kết luận của các lần tổng kết 20 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991-2011, 20 năm thực hiện Hiến pháp (1992-2012).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016). |
Phạm vi tổng kết gồm một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, trọng tâm là 10 năm đổi mới gần đây (2006-2016), tập trung vào 10 vấn đề:
- Cục diện thế giới và khu vực- những biến động gần đây và tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình sắp tới; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới; bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hội nhập quốc tế; đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa;
- Xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; tổng hợp việc nhận thức và giải quyết 8 mối quan hệ lớn được nêu trong Cương lĩnh 2011, qua đó làm rõ những vấn đề có tính quy luật của đổi mới cả về nội dung, bước đi, hình thức và phương pháp;
- Những vấn đề vướng mắc hoặc sai lầm trong lý luận và thực tiễn vừa qua, tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Phương pháp, cách thức tiến hành tổng kết cần quán triệt phương pháp biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể. Cần có cái nhìn toàn diện, thấy cả thành tựu và hạn chế, những vấn đề mới đang đặt ra, đúc rút bài học kinh nghiệm và có các kiến nghị, đề xuất về phương hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Muốn vậy phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, lộ trình thực hiện, phân công phân nhiệm rõ ràng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành Báo cáo kết quả tổng kết, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào quý IV-2014.
(Theo chinhphu.vn)