Thứ Hai, 28/10/2013, 09:40 (GMT+7)
.

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC

Chiều 25-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) tham gia góp ý dự thảo luật như sau:

Thứ nhất, tại Điều 10 quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy (CC) quy định:

Người tham gia CC được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất, trường hợp hy sinh, bị thương, bị tổn hại sức khỏe, bị tổn thất về tài sản thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Để động viên và ghi nhận công lao của người tham gia CC, đề nghị dự thảo luật cần cụ thể hóa các quy định về chế độ, chính sách đối với người trực tiếp CC, người tham gia CC và trường hợp bị chết, hy sinh, bị thương, bị tổn hại sức khỏe để việc áp dụng luật đảm bảo chặt chẽ và thống nhất.

Cụ thể, cần phân biệt trường hợp bị chết, trường hợp hy sinh và cần phải bổ sung vào điều luật trường hợp bị chết.

Về chế độ bồi dưỡng về vật chất, đề nghị cụ thể hóa chính sách đối với từng đối tượng tham gia. Đối với Cảnh sát PCCC thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân.

Đối với người trong đội PCCC chuyên trách ở cơ sở thì hưởng lương, phụ cấp tại đơn vị cơ sở. Đối với người không thuộc các đối tượng trên, như bán chuyên trách tham gia CC thì tùy từng đối tượng tham gia để có chính sách bồi dưỡng về vật chất cho phù hợp và đề nghị dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện quy định này. Về kỹ thuật thể hiện điều này, đề nghị tách thành 2 khoản riêng để quy định cho rõ ràng và cụ thể hơn.

Thứ hai, về nội dung quy định PCCC đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (KCN, KCX, KCNC) được quy định ở Điều 21 quy định:

Chủ đầu tư hạ tầng KCN, KCX, KCNC phải có phương án phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) cho toàn khu. Xây dựng cơ sở hạ tầng về PC&CC, tổ chức lực lượng PC&CC phù hợp với phương án PC&CC để đảm bảo thực hiện có hiệu quả phương án PCCC; đồng thời đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ cơ sở hạ tầng về PCCC  gồm hệ thống các công trình, các trang thiết bị chính để chống cháy cho toàn khu theo phương án.

Đề nghị dự thảo luật xem xét bổ sung quy định chủ đầu tư phải kiểm tra, duy trì hoạt động thường xuyên của các công trình trang thiết bị PCCC cho toàn khu.

Tại Khoản 2, điều này còn quy định: Tổ chức, cá nhân có cơ sở hoạt động trong các KCN, KCX, KCNC phải có phương án bảo đảm an toàn về PC&CC, thành lập đội PC&CC cơ sở. Để hoàn chỉnh quy định này, đề nghị cần bổ sung trách nhiệm trang bị và duy trì hoạt động thường xuyên hệ thống PCCC, các phương tiện, thiết bị phục vụ PCCC.

Thứ ba, về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC: Trong dự thảo luật chưa đề cập đến nội dung này. Đề nghị cần nhấn mạnh và xác định rõ hơn nhiệm vụ của đơn vị Cảnh sát PCCC.

Thực tế vừa qua, đã xảy ra trường hợp đội CC đã không đến kịp thời, trang thiết bị không đảm bảo để CC, do vậy đề nghị bổ sung vào Khoản 5, Điều 45 cụm từ “kịp thời, hiệu quả” và thể hiện lại điều này như sau: “Thực hiện nhiệm vụ CC kịp thời, hiệu quả khi có vụ cháy xảy ra; đồng thời đề nghị bổ sung vào Khoản 2, Điều 47, nhấn mạnh phương châm tổ chức lực lượng PCCC là CC kịp thời, hiệu quả nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Thứ tư, tại Điều 63a về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PC&CC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PC&CC số 27/2001-QH10 (luật hiện hành) có hiệu lực.

Tại Khoản 2 quy định: “Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và kho tàng chứa các loại hóa chất dễ cháy, nổ đang hoạt động ở khu dân cư nơi đông người phải có phương án di chuyển bảo đảm khoảng cách an toàn”, quy định như vậy là chưa đủ.

Thực tế, một số vụ cháy, nổ vừa qua cho thấy không chỉ đối với chất dễ cháy, nổ mà còn có các loại hàng hóa dễ cháy, nổ như pháo hoa, đạn dược, xăng dầu…; do đó đề nghị bổ sung cụm từ “hàng hóa dễ cháy, nổ” vào nội dung quy định của Khoản 2 để đảm bảo sự chặt chẽ của luật.

Mặt khác, cơ sở sản xuất, kinh doanh và kho tàng chứa các loại hóa chất dễ cháy, nổ đang hoạt động ở khu dân cư, nơi đông người trên cùng một địa bàn thuộc nhiều thành phần kinh tế và do nhiều cơ quan quản lý khác nhau, việc di chuyển không đơn giản. Do đó, để thực hiện quy định này được đảm bảo, thống nhất, đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.