Thứ Bảy, 26/10/2013, 12:10 (GMT+7)
.

Kiểm tra cán bộ gây nhũng nhiễu, ý thức công vụ kém

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác cải cách hành chính. Ảnh: Doãn Tấn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác CCHC. Ảnh: Doãn Tấn

Chiều 25-10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp về công tác cải cách hành chính (CCHC).

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực tổ chức triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, đã có 7 đề án được xây dựng và phê duyệt, bao gồm:

Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; Đề án xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Đề án xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; Đề án tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2012-2015;

Đề án tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách CCHC giai đoạn 2012-2015; Đề án xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công và Đề án cải cách tổng thể chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào việc thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ về phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC.

Đến nay đã đơn giản hóa được 3.758 TTHC trong tổng số 4.751 TTHC đã được phê duyệt tại 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, đạt 79%; thực hiện đánh giá tác động 1.053 TTHC được quy định tại 237 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đã ban hành 2.181 quyết định công bố TTHC và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt việc rà soát 24 nhóm TTHC trọng tâm và các quy định có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 263/QĐ-TTg.

Các lĩnh vực về cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa hành chính Nhà nước cũng được các bộ, ngành quan tâm triển khai. Bộ Nội vụ đã xác định xong kết quả Chỉ số CCHC năm 2012 của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thời gian qua, đó là kỷ cương kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm, còn có những hành động nhũng nhiễu, làm phiền người dân; việc công bố công khai minh bạch TTHC chưa tốt; xác định vị trí việc làm còn chậm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã có nhiều cố gắng góp phần CCHC, song, công cụ cải cách này chưa đạt yêu cầu như mong muốn, chưa bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, sự phàn nàn của người dân còn hiện hữu, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, chưa thu gọn được đầu mối, tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức còn trì trệ, chưa có sự chuyển biến nhiều.

Phó Thủ tướng chỉ rõ trong từng lĩnh vực CCHC còn nhiều việc diễn ra chậm, chưa quyết liệt, trong “rừng” thủ tục lớn như vậy nhưng tác động thuận lợi đến người dân chỉ có mức độ, việc tuyển công chức còn dư luận chưa tốt, vấn đề đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong lĩnh vực y tế công lập còn gây nhiều bức xúc.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh phải quan tâm chỉ đạo CCHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ quyết định thay thế Quyết định 93/2007/QĐ-TTg về quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ cũng cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai đề án cải cách chế độ công chức, công vụ, trong đó tập trung mô tả vị trí việc làm, chọn làm thí điểm xác định vị trí việc làm tại một số vụ, cục của một số bộ trên tinh thần không tăng biên chế. Đồng thời, tiếp tục thi chọn đầu vào tốt hơn, cạnh tranh hơn nữa, đặc biệt là một số chức danh trưởng phó phòng; lập các đoàn kiểm tra tình trạng cán bộ gây nhũng nhiễu, ý thức công vụ kém, thành lập hệ thống thông tin về sự hài lòng của người dân.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp thực hiện đơn giản hóa và công khai minh bạch mọi TTHC để người dân, doanh nghiệp thấy rõ được các lợi ích từ cải cách, không phải chỉ là cải cách trên giấy tờ. Đồng thời với đó, tập trung giải quyết các thủ tục lớn có liên quan mật thiết đến người dân như thủ tục khám bệnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền kết quả cải cách.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/Home/Kiem-tra-can-bo-gay-nhung-nhieu-y-thuc-cong-vu-kem/201310/222319.vnplus)

.
.
.