Thứ Hai, 14/10/2013, 05:44 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 – 14-10-2013):

Người nông dân Việt Nam luôn có Bác đi cùng

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, cuối năm 1926 đầu năm 1927, một số địa phương hình thành “Nông hội đỏ” chỉ đạo cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh dân chủ; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Cao Lãnh, Sa Đéc, Gia Định, Đức Phổ, Duyên Hà, Tiền Hải…. đi tới đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta rất coi trọng việc giáo dục, tổ chức, động viên đưa quần chúng ra đấu tranh chính trị và xây dựng đội quân chính trị quần chúng cách mạng. Tại kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần I (khóa I) từ 14-10 đến cuối tháng 10 năm 1930, “Nông hội đỏ” chính thức ra đời. Sự kiện thành lập “Nông hội đỏ” đánh dấu sự trưởng thành quan trọng về chất của giai cấp nông dân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp nông dân có đoàn thể cách mạng của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954.
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954.

Để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam liên tục phát triển dưới nhiều hình thức và tên gọi phù hợp: “Hội Tương tế ái hữu”, “Hội Nông dân phản đế”, “Hội Nông dân cứu quốc”, trở thành một thành viên chủ lực của Mặt trận Việt Minh, là lực lượng nòng cốt và đông đảo nhất tham gia khởi nghĩa tháng tám 1945.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến nông dân. Người bôn ba chân trời góc biển vì nền độc lập của dân tộc, để “người cày có ruộng”, để “ruộng đất về tay dân cày”, để “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đi cùng.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổ chức Hội được duy trì và liên tục phát triển. Hội Nông dân giải phóng Miền Nam được thành lập, là thành viên quan trọng của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, tham gia các phong trào cách mạng: đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận; xây dựng hậu phương chiến đấu tại chỗ…., góp phần làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Ở miền Bắc, Hội Nông dân tập thể đã vận động nông dân đi theo con đường hợp tác hóa: vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ hậu phương, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Trước khi đi xa, Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng chí, đồng bào. Bản di chúc kết tinh tư tưởng, tình cảm vì con người của Bác ngắn gọn, súc tích nhưng dung dị, chứa đựng tình cảm bao la như trời biển. Bản di chúc được Người viết, bổ sung, sửa chữa nhiều lần, lần nào cũng có những dòng, những đoạn dành cho nông dân.

Trong phần bổ sung Di chúc được Bác viết tháng 5-1968, Bác dành một đoạn nói về giai cấp nông dân Việt Nam. Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các HTX nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Chiến thắng mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ mới, nông dân 2 miền Nam - Bắc sát cánh cùng toàn dân đi tiếp con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn; nhiệt tình tham gia xây dựng tổ chức của giai cấp nông dân - Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam từng bước lớn mạnh. Ngày 1-3-1988, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được đổi tên là Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần I Hội Nông dân Việt Nam họp từ ngày 28 đến ngày 29-3-1988 tại Hà Nội, là một cột mốc quan trọng, một bước ngoặc có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển của phong trào nông dân: Hội nông dân Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân được chính thức thành lập, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở; khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng ta về vai trò, vị trí của giai cấp công- nông  và Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng; đồng thời đề ra những mục tiêu, nội dung hoạt động của Hội, thực hiện đường lối mới của Đảng.


HỒNG LÊ
(Tổng hợp từ các nguồn tư liệu)

.
.
.