Thứ Bảy, 12/10/2013, 06:07 (GMT+7)
.

Nhân dân Tiền Giang hướng về Đại tướng kính yêu

Để tạo điều kiện cho nhân dân trên mọi miền Tổ quốc được bày tỏ tấm lòng yêu kính của mình đối với vị tướng tài năng, đức độ của dân tộc, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng có kế hoạch cấp trung đoàn và tương đương của Quân đội đang đóng quân trên mọi miền Tổ quốc lập bàn thờ Đại tướng, làm lễ truy điệu, dâng hương qua di ảnh của Đại tướng. Thông tin này làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Tiền Giang thỏa lòng mong mỏi được bày tỏ tấm lòng yêu kính vị tướng tài ba, lỗi lạc của dân tộc.

Từ khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đến nay, hàng triệu triệu con tim trên mọi miền Tổ quốc không ngừng thổn thức, tiếc thương. Không chỉ nhân dân Tiền Giang, mà tất cả đồng bào trên mọi miền đất nước hàng ngày, hàng giờ dõi về nhà số 30, phố Hoàng Diệu, Hà Nội với lòng tiếc thương vô hạn. Dù biết rằng Đại tướng tuổi cao, sức yếu nên việc phải ra đi là điều không tránh khỏi, nhưng dường như không ai có thể chấp nhận sự thật ấy.

Trong những ngày này, trời lất phất mưa. Những cơn mưa sụt sùi làm cho mọi người càng thêm bùi ngùi tiếc thương một bậc hiền tài, một người học trò tài năng, đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Thanh Hải, ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho chia sẻ: Hiếm có vị tướng nào mà khi hay tin từ trần, nhân dân ai cũng bày tỏ lòng tiếc thương như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi vì tài năng và đức độ của Đại tướng đã chạm đến trái tim của nhân dân, được mọi người yêu thương, kính phục.

Hội Cựu chiến binh tỉnh lập bàn thờ để cựu chiến binh và nhân dân đến viếng, thắp hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hội Cựu chiến binh tỉnh lập bàn thờ để cựu chiến binh và nhân dân đến viếng, thắp hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để mọi người dân đều biết địa điểm lập bàn thờ Đại tướng, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng yêu cầu: Nhân dân và các đoàn thể quần chúng nơi đơn vị Quân đội đóng quân đều được thông báo và mời tới những điểm lập bàn thờ Đại tướng để bày tỏ tấm lòng của mình, thời gian trong 2 ngày 12 và 13-10.

Bà con có thể liên hệ địa điểm qua Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố; Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành, thị hoặc Bộ Chỉ huy các trung đoàn, binh đoàn Quân đội để đến viếng Đại tướng, tiễn người về với các bậc hiền tài của dân tộc. Như vậy, trên địa bàn tỉnh, ngoài 10 Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, thành, thị còn có một số đơn vị khác được lập bàn thờ Đại tướng để cho quân nhân và nhân dân đến viếng Đại tướng như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Trường Quân sự địa phương…

Khi chúng tôi đến, các chú trong Hội Cựu chiến binh tỉnh đang ráo riết chuẩn bị lập bàn thờ Đại tướng sao cho thật trang nghiêm để thể hiện lòng tôn kính của cựu chiến binh nói riêng và nhân dân Tiền Giang nói chung dành cho Đại tướng. Hòa trong nỗi tiếc thương của toàn dân tộc, Đại tá Lê Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh xúc động cho biết: Hội lập bàn thờ Đại tướng tại trụ sở hội (số 6, đường Giồng Dứa, phường 7, TP. Mỹ Tho) để anh em cựu chiến binh tỉnh, TP. Mỹ Tho, Khối Doanh nghiệp, Khối các cơ quan tỉnh, xã, phường và nhân dân có nơi đến viếng và thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.

Đối với Hội Cựu chiến binh cấp huyện, thị thì phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự cùng cấp để tổ chức cho anh em cựu chiến binh đến viếng và thắp hương bày tỏ lòng tôn kính đối với Đại tướng. Hội Cựu chiến binh cấp xã, phường, thị trấn thì tổ chức đến viếng Đại tướng ở nơi gần nhất.

Dù ở tuổi 83, chuyện đời có cái nhớ, cái quên, nhưng những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người cựu chiến binh Huỳnh Thanh Trước, ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho (bác Ba Trước). Được gặp Đại tướng nhiều lần, nhưng lần gặp bí mật ở K15, Đồ Sơn, Hải Phòng khiến bác Ba nhớ mãi về hình ảnh vị tướng giản dị, luôn hết lòng yêu thương bộ đội. Đôi mắt ngân ngấn nước, bác Ba kể: Năm 1946 bác tham gia kháng chiến.

Đến năm 1955, bác đi tập kết ra Bắc, sau đó được điều về Đoàn tàu không số. Trong lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp bí mật gặp anh em hải quân ở Đồ Sơn, Hải Phòng, khi biết anh em hải quân trên Đoàn tàu không số gặp địch phục kích thì phải hủy tàu, anh em trên tàu đều phải hy sinh, mắt Đại tướng đỏ hoe, ông bảo: “Anh em miền Nam ra Bắc tập kết không nhiều, khi học tập thì nỗ lực học, ra chiến trường thì chiến đấu hết mình, dù phải hy sinh. Nếu chúng ta không có cách bảo toàn lực lượng khi vận chuyển vũ khí thì anh em miền Nam tập kết ra Bắc sẽ lần lượt hy sinh hết”.

Nén xúc động, Đại tướng hỏi bác Ba: “Khi gặp địch phục kích, chúng ta vẫn phá tàu nhưng có cách nào vẫn giữ được lực lượng không?”. Thương nhớ vị tướng tài, đức lỗi lạc, từ hôm hay tin ông mất đến nay, bác Ba cứ nằm vùi trong phòng mà khóc.

Dù rất muốn ra Hà Nội đến nơi Đại tướng sinh sống trong những năm cuối đời để viếng, nhưng vì tuổi cao, sức yếu nên bác Ba không thể đi được. May mắn hơn cả có lẽ là anh Nguyễn Hoài Phương, cán bộ Tỉnh đoàn. Trong những ngày này, anh Phương đang đi công tác ngoài Hà Nội nên đã có dịp đến ngôi nhà số 30, đường Hoàng Diệu, Hà Nội để viếng Đại tướng.

Cũng như bao bạn trẻ khác, Phương yêu kính Đại tướng từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Được học lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn thắng trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Phương càng kính trọng và biết ơn Đại tướng nhiều hơn. Được đến nơi Đại tướng sinh sống trong khoảng thời gian cuối đời để viếng, với Phương đó là một điều rất thiêng liêng. Vì vậy, khi đặt chân vào ngôi nhà, đứng trước di ảnh của Đại tướng, anh rất bồi hồi, lòng trào dâng cảm xúc yêu thương, kính trọng.

Anh Trần Thanh Nguyên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Tỉnh đoàn và Huyện, Thị, Thành đoàn sẽ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đến những nơi lập bàn thờ Đại tướng để viếng và thắp hương tưởng niệm. Đại tướng ra đi là một mất mát to lớn cho dân tộc Việt Nam. Những chuẩn mực đạo lý, tài năng và nhân cách của Đại tướng đã chạm sâu vào nhân tâm mỗi người con Việt Nam, giúp mỗi người biến nỗi đau thành sức mạnh…

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.