Đại biểu Hùynh Văn Tính: Góp ý dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi)
Vừa qua, Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi).
Dự thảo Luật Hải quan do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính soạn thảo với mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hải quan để bảo đảm tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là hệ thống hải quan điện tử, đáp ứng yêu cầu thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời sửa đổi Luật Hải quan để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan.
Qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến về một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện dự án Luật, cụ thể là:
Thứ nhất, tại Điều 7 dự thảo Luật quy định về địa bàn hoạt động hải quan: Địa bàn hoạt động hải quan bao gồm các khu vực cửa khẩu, đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sâu quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, trụ sở doanh nghiệp khi kiểm tra sau thông quan, địa điểm khác được phép xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, khu vực lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam và các địa bàn khác theo quy định của pháp luật.
Cơ bản đồng ý với dự thảo quy định trên theo hướng mở rộng phạm vi địa bàn hải quan; tuy nhiên đề nghị bỏ các cụm từ “khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế” và thay bằng cụm từ “khu phi thuế quan” nhằm đảm bảo các quy định tại điều này được chặt chẽ và thống nhất với quy định hiện hành tại Nghị định 87 của Chính phủ ngày 13-8-2010 (quy định tại Khoản 2, Điều 1), cụ thể “khu phi thuế quan bao gồm: Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan...”.
Thứ hai, tại Điều 14 của dự thảo Luật quy định về hệ thống tổ chức hải quan: Hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam gồm có: Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Chi cục Hải quan và các đơn vị tương đương. Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức lại Cục Hải quan căn cứ vào yêu cầu, khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động…
Quy định hệ thống tổ chức Hải quan gồm có 3 cấp: Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Chi cục Hải quan và các đơn vị tương đương như dự thảo Luật là chưa đầy đủ, cụ thể, không quy định trong hệ thống tổ chức đối với “Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” là không phù hợp với xu thế phát triển và không thuận lợi cho hoạt động quản lý của lực lượng Hải quan hiện nay; đồng thời việc quy định về hệ thống tổ chức hải quan như dự thảo Luật sẽ làm tăng biên chế của bộ máy quản lý, đặc biệt là bộ máy quản lý gián tiếp, kéo theo việc tăng cơ sở vật chất, trang thiết bị, biên chế cồng kềnh… không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế trong giai đoạn hiện nay, do vậy đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét để sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp.
Ngoài ra, với quy định như dự thảo Luật thì xảy ra tình trạng có nhiều Cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ trên cùng một địa bàn, sẽ làm cho công tác chỉ đạo, điều hành phối hợp hoạt động giữa các Cục Hải quan của lãnh đạo địa phương gặp nhiều khó khăn và chồng chéo. Vì vậy, kiến nghị không thực hiện mô hình tổ chức nhiều Cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố mà nên duy trì hệ thống tổ chức Hải quan Việt Nam gồm có 3 cấp: Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh (thành phố) trực thuộc trung ương, Chi cục hải quan, cửa khẩu, đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương như thời gian qua.
Thứ ba, tại Điều 15 dự thảo Luật quy định về công chức hải quan:
1. Công chức hải quan là người được tuyển dụng, đào tạo và sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (CB-CC).
2. Công chức hải quan phải có phẩm chất chính trị tốt, thực hiện nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật, trung thực, liêm khiết, có tính kỷ luật, thái độ văn minh, lịch sự, nghiêm chỉnh chấp hành quyết định điều động và phân công công tác.
3. Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế, gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan, nhận hối lộ, chiếm dụng, biển thủ hàng hóa tạm giữ và thực hiện các hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi.
Về vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bỏ nội dung quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, vì đây là những quy định không cần thiết do đã được quy định chung trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về CB-CC. Do vậy, quy định tại Khoản 1 cần xem xét bổ sung đầy đủ nội dung nhằm quy định chung việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và hoạt động của công chức hải quan theo quy định chung của pháp luật về CB-CC hiện hành.
Thứ tư, tại Điều 16 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan: Khoản 1 quy định: “Hàng hóa phương tiện vận tải phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, vận chuyển đúng tuyến đường qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật”. Đề nghị bổ sung cụm từ “đúng thời gian” vào Khoản 1, Điều 16 nhằm đảm bảo thống nhất chung về nguyên tắc đúng thời gian được quy định tại Khoản 5 - Điều 16, Điều 25 (về thời hạn nộp hồ sơ hải quan), Điều 85 (về trách nhiệm của người khai hải quan trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế và các khoản thu khác) và Điều 87 (về thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế) của dự thảo Luật.
Như vậy, Khoản 1, Điều 16 đề nghị thể hiện lại như sau: “Hàng hóa, phương tiện vận tải phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật”.
Thứ năm, tại Điều 21 dự thảo Luật quy định về thủ tục hải quan. Khi làm thủ tục hải quan người khai hải quan phải: Khai và nộp tờ khai hải quan, nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 Luật này; đưa hàng hóa phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định cho việc kiểm tra thực tế hàng hóa phương tiện vận tải; nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan, công chức hải quan phải: Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải. Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật; quyết định thông quan hàng hóa, giải phóng hàng hóa, xác nhận phương tiện vận tải đã hoàn thành thủ tục hải quan.
Để phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan về công chức Hải quan, đảm bảo việc xử lý nghiêm các trường hợp không đủ hồ sơ, giấy tờ hoặc vi phạm các quy định pháp luật, kiến nghị nên bổ sung một khoản vào điều này nội dung quy định việc áp dụng hình thức xử lý “dừng thông quan, tạm dừng thông quan” đối với hàng hóa và phương tiện vận tải vi phạm các thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)