Thứ Hai, 18/11/2013, 07:48 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU TRƯƠNG THỊ THU TRANG:

Đề xuất 10 giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT

Vừa qua, Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2012.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Trương Thị Thu Trang (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) cơ bản thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát và nêu một số ý kiến như sau:

Qua gần 20 năm thực hiện chính sách BHYT và 4 năm thực hiện Luật BHYT, những kết quả cụ thể đạt được đã đưa Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng gần đạt tỷ lệ BHYT toàn dân. Đây là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thể hiện quyết tâm và tính nhân văn trong chính sách xã hội của Việt Nam; đồng thời góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe, giúp nhiều người dân không bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi ốm đau, bệnh tật. Mặc dù vẫn còn những điều chưa hài lòng về chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, nhưng khách quan nhìn nhận, kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHYT như vừa qua là rất đáng tự hào.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT hiện vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm như:

Một là, về các thủ tục liên quan BHYT:

- Thực tế hiện nay, ở hầu hết các địa bàn cơ sở việc tổ chức mạng lưới nhân viên để phục vụ người dân mua BHYT tự nguyện còn nhiều bất cập, không kịp thời; chế độ, chính sách để khuyến khích đối với nhân viên bán BHYT ở tại địa phương chưa được quan tâm… làm ảnh hưởng đến tỷ lệ dân số tham gia BHYT.

- Bệnh nhân đến KCB ở các bệnh viện tuyến xã, huyện tuy được thuận tiện hơn (như không phải chờ đợi lâu, được chăm sóc thường xuyên…), nhưng danh mục thuốc y tế điều trị bệnh, các dịch vụ y tế được hưởng rất hạn chế; đội ngũ y, bác sĩ ít và trình độ chuyên môn kém hơn tuyến trên nên bệnh nhân và thân nhân thường yêu cầu chuyển tuyến trên điều trị cho yên tâm. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện tuyến huyện thực hiện KCB BHYT theo khoán định suất, nên hạn chế chuyển tuyến vì sợ hụt quỹ BHYT. Điều này đã gây ra nhiều bức xúc cho bản thân người bệnh lẫn thân nhân của họ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT.

Hai là, về phía các cơ sở KCB:

- Vấn đề y đức là điều mà rất nhiều người dân ở nhiều nơi phản ánh khi đến KCB BHYT. Đánh giá một cách sâu sắc thì nguyên nhân của những vấn đề phản ánh về y đức có phần do quá tải (mỗi bác sĩ phải khám trung bình 60 - 80 bệnh nhân/ngày), phần do phải KCB ở phòng khám tư nhân, phần do thái độ cửa quyền, ban ơn của đội ngũ cán bộ y tế…

- Quy định việc thực hiện chuyển tuyến bệnh nhân hiện nay theo thứ tự từ nơi đăng ký KCB ban đầu lên từng bậc bệnh viện tuyến trên với nhiều thủ tục không cần thiết đã tác động tiêu cực đến việc khuyến khích người dân tham gia BHYT.

- Việc KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương thật sự quá tải. Điều này có phần do lực hút từ bệnh viện tuyến trên để tăng nguồn thu, vì vậy đã gây ảnh hưởng đến chất lượng KCB những ca bệnh thật sự cần phải điều trị ở các bệnh viện này do bị quá tải bởi các ca bệnh thông thường khác mà có thể được điều trị tốt ở các cơ sở y tế tuyến dưới.

- Quyền lợi bệnh nhân BHYT chưa được công khai.

Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng KCB BHYT thời gian tới, đại biểu Trương Thị Thu Trang đề xuất một số giải pháp sau:

1. Xem xét bố trí mỗi xã (phường, thị trấn) một cán bộ của ngành BHXH trực tiếp lo việc vận động, tuyên truyền và bán BHYT tự nguyện; lập, quản lý và cập nhật danh sách BHYT của trẻ em, người nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện công tác kiểm tra, đối chiếu để tránh việc cấp trùng thẻ BHYT tại địa bàn.. Cán bộ này do ngành BHXH trả lương từ các nguồn hoa hồng hiện đang chi.

2. Bố trí đầy đủ nguồn lực về đội ngũ cán bộ giám định BHYT có chuyên môn giỏi, được giao thẩm quyền xử lý các cán bộ y tế, các bệnh viện thường xuyên lạm dụng quỹ BHYT nhằm phòng, chống có hiệu quả các hành vi vi phạm tinh vi trong KCB BHYT hiện nay. Trước mắt, cần hoàn thiện ngay hệ thống thông tin kết nối để kiểm soát tốt việc sử dụng thẻ BHYT, tránh tình trạng mượn, thuê thẻ để khai thác quỹ BHYT.

3. Có giải pháp để khắc phục những bất cập trong việc thực hiện khoán định suất để giữ quỹ tại các bệnh viện tuyến huyện. Có thể xem xét đến việc quy định cấp bù cho bệnh viện tuyến huyện khi bị hụt quỹ do các trường hợp buộc phải chuyển tuyến trên điều trị. 

4. Đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung quy định chuyển tuyến hành chính hiện nay, tạo điều kiện để cán bộ y tế ở xã có thể chuyển bệnh nhân trực tiếp tuyến tỉnh trong trường hợp bệnh nhân bệnh nặng, đảm bảo kịp thời trong điều trị.

5. Cần thiết bổ sung vào danh mục thuốc ở tuyến cơ sở một số thuốc chữa bệnh mãn tính (như tiểu đường, huyết áp..) dựa vào trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ hiện có tại cơ sở đó, để bệnh nhân đỡ phải vất vả lên tuyến trên; đồng thời sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để BHYT bao phủ luôn cả chi phí mà hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang đảm nhận (như bệnh lao, sốt rét, tiêm chủng..).

6. Luật hiện hành quy định BHYT là tự nguyện nên hạn chế tỷ lệ người tham gia BHYT. Do vậy, muốn đạt BHYT toàn dân thì quy định BHYT bắt buộc là giải pháp hữu hiệu, nhân văn; cũng như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tiêm chủng bắt buộc.

7. Có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT; đồng thời trên cơ sở đánh giá thực tế về điều kiện trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ để công nhận tương ứng với cơ sở KCB công lập được phép thực hiện các dịch vụ y tế cần thiết và danh mục thuốc phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần làm giảm tải ở các bệnh viên công, tạo tính cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống cơ sở y tế để nâng cao thái độ phục vụ bệnh nhân.

8. Đề nghị BHXH Việt Nam xem xét trích một phần quỹ kết dư BHYT cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia khám BHYT vay ưu đãi để đầu tư trang thiết bị y tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng KCB BHYT.  
9. Tỉnh Tiền Giang hiện rất quan tâm thực hiện mô hình “Bác sĩ gia đình”. Đề nghị Bộ Y tế sớm xem xét, triển khai mô hình này để góp phần thực hiện BHYT hữu hiệu hơn, bởi lẽ mô hình này sẽ giúp bệnh nhân BHYT đến đúng nơi để KCB, đỡ lãng phí cho bệnh nhân và xã hội.

10. Đề nghị QH ban hành Nghị quyết sau giám sát, trong đó giao trách nhiệm cho BHXH Việt Nam kiểm soát, bảo đảm giá thuốc BHYT phù hợp.

ĐĂNG HIẾU
(Tổng hợp)

.
.
.