ĐB Nguyễn Văn Tiên:Góp ý vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và y tế
Vừa qua, Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (kết hợp với thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế); thảo luận tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) về kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2013.
Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) đề cập đến các vấn đề như sau:
1. Về nông nghiệp, nông thôn
Thứ nhất, Việt Nam đang tham gia vào việc đảm bảo an ninh lương thực thế giới nhưng giá lúa gạo bán ra thế giới thì lại rất thấp, trong khi chúng ta lại phải mua các loại hàng hóa, thiết bị, vật tư của các nước với giá rất cao.
Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có giải pháp nhằm đảm bảo công bằng giữa quốc gia thực hiện cung cấp về lương thực và quốc gia thực hiện cung cấp về hàng hóa, thiết bị, vật tư cho thế giới, xem đây là một trong những giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề khó khăn cho người trồng lúa hiện nay.
Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét để có những chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho người nông dân được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, với mục đích chung là giúp người nông dân sử dụng một cách hiệu quả nhất diện tích đất nông nghiệp mà mình canh tác, góp phần ổn định đời sống và làm giàu chính đáng từ kinh tế nông nghiệp. Bởi vì, thực tế hiện nay, những người trồng lúa muốn chuyển diện tích đất trồng lúa sang trồng các cây lâu năm thì thủ tục rất khó khăn.
Thứ hai, với tình hình thực tế hiện nay, về vấn đề tài chính, tín dụng nông thôn cần phải có những giải pháp đặc biệt mang tính đột phá đối với nông dân, nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của nông thôn mới (vay vốn để xây, sửa nhà; vay vốn để đầu tư phát triển giao thông nông thôn…).
Muốn thế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng tích cực hơn bằng những giải pháp thật hữu hiệu để đồng hành cùng người nông dân nhằm thật sự tạo nên những sắc thái mới, diện mạo mới để phát triển các vùng nông thôn Việt Nam hiện nay.
2. Vấn đề về y tế
Thứ nhất, hiện nay, qua một giai đoạn đầu tư khá nhiều trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực y tế, một số bệnh viện đã được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để xây dựng, nhưng hiện đang dở dang và gây ra lãng phí rất lớn. Đề nghị Chính phủ xem xét, có giải pháp để các bệnh viện này tiếp tục vay vốn xây dựng, hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp nhằm tạo cơ chế thu dịch vụ theo yêu cầu của người dân.
Thứ hai, vấn đề y tế có liên quan đến Luật Quảng cáo. Theo ý kiến của một số Ủy ban của Quốc hội, hiện nay các cơ quan chức năng hầu như chỉ thực hiện việc “hậu kiểm quảng cáo” là chủ yếu, đặc biệt là quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Do vậy, một số Ủy ban của Quốc hội và Bộ Y tế đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa các hoạt động “tiền kiểm quảng cáo” để việc quản lý và kiểm soát các hoạt động y tế, nhất là y tế tư nhân được chặt chẽ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xã hội hóa về y tế ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, đề nghị các ngành, đặc biệt là ngành Y tế quan tâm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về tính chính xác liên quan đến ngành Y. Đặc biệt, đề nghị ngành Y tế tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và bố trí cán bộ pháp chế, cán bộ xã hội ở các bệnh viện để giải thích cho xã hội, cho bệnh nhân biết những cái gì đã xảy ra trên góc độ pháp lý để mọi việc có liên quan được công bố công khai, minh bạch, tránh tình trạng đồn thổi không đúng, không đảm bảo tính chính xác, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)