ĐB Trần Văn Tấn:Góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Vừa qua, Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) có ý kiến chung và cụ thể như sau:
Một là, tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và những nội dung thể hiện tại Điều 4; về Công đoàn Việt Nam được quy định tại Điều 10; về thành phần kinh tế được quy định tại Khoản 1, Điều 51; đồng thời, thống nhất không quy định Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, mà tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong bảo vệ Hiến pháp.
Hai là, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định thời gian chậm nhất phải công bố luật, pháp lệnh mà chưa quy định thời hạn chậm nhất của Chủ tịch nước phải công bố Hiến pháp kể từ ngày Hiến pháp được Quốc hội thông qua. Bởi lẽ, Hiến pháp là đạo luật gốc có giá trị lâu dài, nên sau khi được Quốc hội thông qua, vẫn cần nhiều thời gian hoàn thiện về mặt kỹ thuật, xem xét kỹ trước khi có văn bản chính thức cuối cùng để Chủ tịch nước ký công bố. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định thời gian chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua thì Chủ tịch nước ký công bố Hiến pháp.
Ba là, Điều 34 quy định: Công dân có quyền đảm bảo an sinh xã hội, đề nghị thay cụm từ “công dân” bằng “mọi người”, vì quy định như dự thảo thì sau này chỉ có công dân Việt Nam mới được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (BHYT, BHXH) . Điều này là không đúng, vì cả người nước ngoài đến lao động tại Việt Nam nếu có nhu cầu tham gia BHYT, BHXH đều được đáp ứng.
Bốn là, về các Điều 58 quy định về y tế, Điều 60 quy định về văn hóa, Điều 61 quy định về giáo dục, Điều 62 quy định về khoa học và Điều 63 quy định về môi trường, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực khoa học và môi trường. Đề nghị dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục. Đây là vấn đề rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn để làm cơ sở cho việc tổ chức hoạt động ở các lĩnh vực này trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn.
Năm là, Khoản 3, Điều 88 quy định: Chủ tịch nước có quyền quyết định đặc xá. Đề nghị xem xét bổ sung quy định về quyền ân giảm án của Chủ tịch nước, vì những lý do sau:
Thứ nhất, theo từ điển Hán - Việt và từ điển Luật học thì ân giảm là việc người bị kết án tử hình gửi đơn lên Chủ tịch nước để được Chủ tịch nước cho giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân. Cơ sở để Chủ tịch nước xét ân giảm là phải có đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống án chung thân của phạm nhân gửi đến Chủ tịch nước trong thời hạn luật định.
Nội dung trong đơn phải nêu rõ việc xin ân giảm án tử hình kèm theo quyết định không có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với quy định này, một lần nữa các cơ quan tư pháp đã khẳng định việc kết án hoàn toàn đúng người, đúng tội. Việc Chủ tịch nước xét đơn ân giảm của phạm nhân không phải là xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân các cấp là đúng hay sai mà chỉ xem xét với góc độ nhân đạo để quyết định đồng ý hay không đồng ý giảm án từ tử hình xuống án chung thân cho phạm nhân.
Thứ hai, hiện nay Chủ tịch nước đang thực hiện quyền hạn này, vì vậy việc quy định quyền ân giảm của Chủ tịch nước làm cơ sở cho việc cụ thể hóa quyền này trong một văn bản luật; đồng thời cũng hoàn thiện quy định pháp lý của người đứng đầu Nhà nước.
Sáu là, Khoản 4, Điều 88 dự thảo Hiến pháp quy định: Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trả lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam. So với Hiến pháp hiện hành, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung thêm việc quyết định cho trở lại quốc tịch của Chủ tịch nước, nhưng như thế là chưa đầy đủ.
Đề nghị bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại Khoản 1, Điều 33 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Vẫn biết Luật Quốc tịch là văn bản cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhưng thực tế Chủ tịch nước đã thực hiện quyền hạn này. Vì vậy, đề nghị Khoản 4, Điều 88 được thể hiện lại như sau: “Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trả lại quốc tịch, tước quốc tịch hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam”.
Bảy là, tại Điều 90 quy định: Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Đề nghị bổ sung vào quy định này cụm từ “báo cáo” trước “họp bàn” và thể hiện lại quy định này như sau:
“Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ báo cáo, họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”; đồng thời đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định tại Điều 96 “…phải có trách nhiệm báo cáo, họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước yêu cầu”.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)