Kỷ niệm 20-11: Bác Hồ đã gửi 23 bức thư cho ngành Giáo dục
Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư đầu tiên tới các em học sinh, sinh viên, các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên ngành Giáo dục. Trong bức thư này, có một đoạn mà đến nay bao thế hệ người Việt Nam đều thuộc lòng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bác Hồ đến thăm lớp bình dân học vụ phường Lương Yên - Hà Nội năm 1956. |
Sau đó, năm nào Bác Hồ cũng có thư gửi các em học sinh và các thầy, cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tới 23 bức thư Bác đã viết gửi ngành Giáo dục, vào nhiều thời điểm như: Thư gửi các học sinh (9-1945), Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ (1-5-1946), Thư gửi ty giáo dục, các hiệu trưởng, giáo viên và các cháu học trò Khu 10 (1-1948), Thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc (7-1948), Thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc (7-1951); Thư gửi các cán bộ, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới (15-10-1968)…
Bức thư ngày 15-10-1968 là bức thư cuối cùng của Người viết gửi ngành Giáo dục. Thời điểm này, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng Người vẫn đặc biệt quan tâm và tự hào về thành tựu của ngành Giáo dục. Người viết: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết”. Bác căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt…”.
Bác Hồ rất quan tâm việc tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên - những chiến sĩ tiên phong chống nạn mù chữ. Bác viết thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ - những nhà giáo làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Lòng hăng hái và nỗ lực của anh chị em đã mang lại kết quả là đồng bào ta nhiều người biết đọc, biết viết. Người khen ngợi: “Vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng”.
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958 |
Tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc (năm 1958), Bác nói, lời tâm huyết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bác giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước. “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”.
“Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo.
Theo quan điểm của Bác: Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải “Tiên ưu Hậu lạc”. Nghĩa là khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình; đồng thời phải “luôn luôn ra sức thi đua trong công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bản Di chúc lịch sử, gởi gắm cho chúng ta và các thế hệ mai sau. Trong Di chúc, Bác dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”... “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Theo Người, thế hệ kế tục sự nghiệp sẽ là thế hệ quyết định sự thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.
HỒNG LÊ
(Tổng hợp)