Kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa: Thăm ngôi nhà ông Năm Vẹm
Nói đến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 thì nhiều người không thể không nhắc đến ngôi nhà ông Năm Vẹm, bởi chính nơi đây Xứ ủy Nam kỳ mở hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa.
Ngày xưa ở ấp Tân Thuận (Tân Hương, Châu Thành) có bà Lê Thị Sớm, một gia đình được xem là khá giả trong vùng. Bà có 8 người con (6 trai, 2 gái), có 4 người tham gia cách mạng. Đó là các ông: Nguyễn Văn Ba tức Giáo Ba (SN 1894), ông Nguyễn Văn Vẹm tức Năm Vẹm (SN 1896), ông Nguyễn Văn Đê tức Bảy Đê (SN 1900) và ông Nguyễn Văn Tào tức Tám Tào (SN 1903). Là người dân sống trong thời bị trị, hàng ngày chứng kiến biết bao cảnh bắt bớ đàn áp dã man, ức hiếp dân lành vô tội của bọn thực dân phong kiến, các ông sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng.
Nhà ông Năm Vẹm có địa hình rất thuận lợi về nhiều mặt nên được chọn để triệu tập Hội nghị Xứ uỷ Nam kỳ, diễn ra từ ngày 21 đến 27-7-1940. Tham dự Hội nghị có 24 đại biểu của 19/21 tỉnh - thành. Ông Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ chủ trì Hội nghị. Cùng dự có ông Phan Đăng Lưu - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng. Đại biểu tỉnh Mỹ Tho có 2 ông: Phan Văn Khỏe - Xứ uỷ viên, Bí thư Tỉnh uỷ và ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
Tại Hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thế giới, trong nước, tương quan lực lượng giữa ta và địch. Qua đó đã đi đến thống nhất là chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân; lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm cờ Tổ quốc. Đồng thời phân công ông Phan Đăng Lưu ra Bắc xin ý kiến Trung ương về việc khởi nghĩa.
Trong thời gian hội nghị, mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng Đảng bộ Mỹ Tho mà trực tiếp là Chi bộ và nhân dân Tân Hương được giao nhiệm vụ tổ chức đưa đón, phục vụ, bảo vệ… đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của hội nghị. Ngoài ra, nhà của ông Năm Vẹm, còn là nơi thường xuyên đón tiếp cán bộ hội họp để chỉ đạo phong trào, dùng nơi để in ấn tài liệu tuyên truyền.
Lúc bấy giờ 4 anh em ông Năm Vẹm đều sinh hoạt trong Chi bộ Tân Hương. Các ông đã kết hợp với các Chi bộ xã Tân Lý Tây, Tân Lý Đông huy động lực lượng hàng trăm người, trang bị roi, gươm, giáo, mác nổi dậy giành chính quyền vào đêm 22-11-1940 mà nổi bật là đánh chiếm nhà việc xã Tân Lý Tây giữa ban ngày (23-11-1940).
Vào năm 1946 chúng đốt nhà ông Năm Vẹm. Sau đó chúng bắt được 3 ông: Giáo Ba, Bảy Đê và Tám Tào. Chúng tra tấn các ông hết sức dã man, nhằm uy hiếp, trấn áp tinh thần người yêu nước, nhưng các ông vẫn kiên trung, thà chết chớ không khai báo đầu hàng giặc. Chúng đày các ông ra Côn Đảo và các ông đã hy sinh ở đó năm 1947.
Lúc bấy giờ ở xã còn lại 3 người: Ông Năm Vẹm giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính, ông Nguyễn Văn Ỏn - Uỷ viên ủy ban xã (con của ông Tám Tào và cũng là con nuôi ông Năm Vẹm) và ông Nguyễn Văn Láng (con ông Giáo Ba). Các ông ra sức gầy dựng lực lượng chiến đấu, lập thêm nhiều chiến công, làm cho bọn tề xã kinh hồn bạt vía. Chính vì vậy bọn chúng lùng sục ngày đêm, cuối cùng 3 ông bị bắt, chịu đòn roi tra tấn dã man cũa địch và hy sinh vào năm 1948.
Lần trở lại này, tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Đức (SN 1929), con của ông Tám Tào, cháu ruột của ông Năm Vẹm (em khác mẹ với ông Nguyễn Văn Ỏn, Nguyễn Văn Ẻn). Ông bồi hồi kể: Những năm đó tôi còn nhỏ, nhưng đến giờ vẫn nhớ như in, gia đình phải trốn chui trốn nhủi bọn Pháp và tay sai. Còn anh Ẻn phải đổi thành họ Dương (Theo họ của người dượng rể ở xã Tân Hòa Thành) và cũng phải lưu lạc suốt thời gian dài để tránh tai mắt kẻ giặc, sau đó trở về dựng lại ngôi nhà để lo hương khói thờ cúng ông bà.
Ngôi nhà ông Năm Vẹm khi xưa, đã được Nhà nước xây dựng mới theo kiểu truyền thống Nam bộ (3 căn chữ đinh) vách tường, mái ngói đỏ au, khang trang, sạch đẹp. Các tấm Huân - Huy chương và bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng. Ông Năm Vẹm được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng III, Huân chương độc lập hạng III. Thân sinh của ông là bà Lê Thị Sớm và vợ của ông là bà Lê Thị Lợi được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ông Dương Bảo Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Hương nói: Ngôi nhà ông Năm Vẹm đã đi vào lịch sử, chẳng những là niềm tự hào của nhân dân địa phương, mà nó còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau hiểu biết về sự đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cha anh, hy sinh xương máu lẫn tài sản để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc, chúng ta phải hết sức bảo vệ và gìn giữ di tích lịch sử quý báu này.
ANH TUẤN