Thứ Tư, 27/11/2013, 06:01 (GMT+7)
.

TS.Trần Thế Ngọc:Người CB-CC-VC phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị 07-CT/TU về việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) các cấp của tỉnh trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Để CB-CC-VC nắm rõ tinh thần của Chỉ thị, Tiến sĩ Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ một số vấn đề trọng tâm:

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, nhìn chung đội ngũ CB-CC-VC các cấp trong tỉnh đã tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới cách nghĩ, cách làm, đóng góp công sức và trí tuệ của mình để hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một bộ phận CB-CC-VC có biểu hiện quan liêu, thụ động, dựa dẫm, trông chờ cấp trên, chưa tích cực đổi mới lề lối làm việc, tỏ ra lề mề, trì trệ, tắc trách, nói không đi đôi với làm, tinh thần trách nhiệm đối với công việc không cao; thiếu năng động, sáng tạo, làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung của địa phương.

Yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi đội ngũ CB-CC-VC các cấp ở địa phương phải có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân; không ngừng phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trong thực thi chức trách, công vụ, tạo thuận lợi nhất cho nhân dân, doanh nghiệp và góp phần tích cực chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện tiêu cực khác. Đó chính là lý do ra đời của Chỉ thị 07-CT/TU.

* PV: Như vậy, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, người CB-CC-VC cần phải có những phẩm chất đạo đức, lối sống như thế nào, thưa ông?

* TS. Trần Thế Ngọc: Trước tiên, người CB-CC-VC phải quán triệt, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.

Người CB-CC-VC phải có phẩm chất đạo đức tốt; giữ gìn lối sống trong sạch, giản dị; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Nêu cao tinh thần học tập, tự học tập, kịp thời cập nhật thông tin, kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kỹ năng làm việc; trung thực, công tâm, khách quan, ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật tốt; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Giáo dục, tuyên truyền, động viên người thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gắn bó mật thiết với nơi cư trú; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng để trục lợi. Nâng cao đạo đức công vụ, có tinh thần và hành động cụ thể trong đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Chấp hành tốt các Quy định những điều CB-CC-VC không được làm; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. Đối với đảng viên phải thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm.

* PV: Xin ông cho biết, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ thì đòi hỏi CB-CC-VC trong tình hình mới phải có những tố chất như thế nào?

* TS. Trần Thế Ngọc: Để thực hiện tốt điều này, trước hết các cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển CB-CC-VC; xây dựng đội ngũ CB-CC-VC phải có tâm và có tầm. Có như vậy, người CB-CC-VC mới có quyết tâm chính trị cao, hết lòng hết sức vì công việc chung; tích cực, chủ động hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp trong công tác, quy tụ, phát huy kiến thức, năng lực của đồng chí, đồng đội, cùng nhau tổ chức thực thi chức trách công vụ.

Năng động, nhạy bén trong việc nắm bắt, dự báo tình hình; chủ động xử lý tình huống phức tạp phát sinh trong công việc, lĩnh vực, ngành, địa phương công tác. Luôn đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chủ động, quyết đoán, có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu ngành, sát cơ sở; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mới trong công tác.

Tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính ở các cấp; thực hiện tốt nguyên tắc: Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính. Quan hệ đồng chí, đồng đội, giữa cấp trên và cấp dưới phải hài hòa, thân thiện, đoàn kết, chia sẻ vì trách nhiệm chung; tạo không khí, môi trường làm việc thông thoáng, chân tình; tạo sự đam mê trong công việc, sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất của CB-CC-VC ở từng cơ quan, đơn vị.

* PV: Thưa ông, trong tình hình mới, nếu CB-CC-VC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao chắc hẳn sẽ có những chính sách đãi ngộ xứng đáng?

* TS. Trần Thế Ngọc: CB-CC-VC tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, làm việc có hiệu quả trong thực hiện chức trách, công vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương được cấp có thẩm quyền xét khen thưởng về tinh thần và vật chất theo định kỳ và đột xuất; sẽ được tuyên dương, suy tôn công trạng trong thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng; được xem xét nâng lương sớm trước thời hạn; được ưu tiên cử đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác trong và ngoài nước; được bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm vượt cấp để ghi nhận và trân trọng những gì CB-CC-VC đã đóng góp cho cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đối với cơ quan, đơn vị có trên 80% CB-CC-VC thực hiện tốt chức trách, công vụ, tích cực phát huy tính năng động, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận xã hội đánh giá cao, khen ngợi thì được xét khen thưởng tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

* PV: Từ xưa ông bà ta có câu: “Có công thì thưởng, có tội thì trừng”. Nếu CB-CC-VC không đáp ứng được yêu cầu công việc, gây cản trở sự phát triển thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

* TS. Trần Thế Ngọc: Những CB-CC-VC có một trong những biểu hiện như: Phai nhạt lý tưởng, lập trường chính trị không vững vàng, trì trệ, tắc trách nhiệm vụ; nói và làm không đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói nhiều, làm ít, chất lượng, hiệu quả công tác thấp; ý thức tổ chức kỷ luật kém; làm việc thụ động, ỷ lại, dựa dẫm tập thể, cấp trên, đùn đẩy trách nhiệm; quan liêu, hách dịch,… qua kiểm điểm nhắc nhở nhưng không khắc phục được hoặc tín nhiệm thấp, bị nhân dân, dư luận xã hội phản ánh thì cấp có thẩm quyền quản lý CB-CC-VC xem xét cho thôi việc, chuyển đổi vị trí công tác đối với CB-CC-VC chuyên môn hoặc cho thôi chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng, Nhà nước mà không chờ đến hết nhiệm kỳ bổ nhiệm hoặc đến tuổi.

Mặt khác, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, trái thẩm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, cho doanh nghiệp, đối tác đến quan hệ giải quyết công việc, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu chính đáng. Đối với cơ quan, đơn vị, địa phương có CB-CC-VC biểu hiện trì trệ, tắc trách nêu trên thì tùy theo mức độ ảnh hưởng, giảm sút uy tín cơ quan, đơn vị, địa phương thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét về trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu trực tiếp quản lý, sử dụng CB-CC-VC đó.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)-

.
.
.