Thứ Hai, 30/12/2013, 09:18 (GMT+7)
.
2-1: Kỷ niệm chiến thắng Ấp Bắc:

Đại đội I (Tiểu đoàn 514 Anh hùng): Chiến công trước trận Ấp Bắc

Trước trận Ấp Bắc, bộ đội Đại đội I thuộc Tiểu đoàn 514 Anh hùng của tỉnh Mỹ Tho đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt.

Ngày 12-9-1962, Đại đội I phối hợp yểm trợ cho du kích và nhân dân ra ban phá ấp chiến lược Dưỡng Điềm ngoài lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A, huyện Châu Thành). Ngày hôm sau (13-9), địch cho nhiều đại đội lính bảo an càn vào xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy. Đại đội I đứng lại đánh càn tại rạch Cả Nai, tiêu diệt gọn 1 đại đội địch, bắt sống 30 tù binh, thu 30 súng các loại.

Sau đánh càn, bộ đội chuyển đội hình đóng quân sang vườn Xã Rạng, cách đó chừng 2km, chuẩn bị trận địa chiến đấu tiếp tục. Nhưng sĩ quan, binh lính địch mất tinh thần, không dám truy kích bao vây hợp điểm. Đây là trận đánh càn thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 nhận Cờ thi đua Ấp Bắc năm 1963.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 nhận Cờ thi đua Ấp Bắc năm 1963.

Đến ngày 24-9, địch phát hiện Đại đội I đang đóng quân ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành và hoạt động trên mặt trận lộ 4, đã huy động cả 1 trung đoàn chủ lực thuộc sư đoàn 7, kết hợp với 6 đại đội bảo an, dùng trực thăng đổ quân đánh úp vào lúc 11 giờ trưa.

Bộ đội nhanh chóng tổ chức đánh càn, bước đầu đã tiêu hao được một số quân địch. Dựa vào địa hình vườn tược liên hoàn, đơn vị vận động qua xã Vĩnh Kim. Đến 4 giờ chiều, Đại đội I lập trận địa phục kích đón đánh địch gần cầu Ván Sập.

Địch lọt vào ổ phục kích. Toàn đại đội nổ súng xuất kích xung phong, đuổi địch trên 3 cây số; đánh tan rã 1 tiểu đoàn lính sư đoàn 7, thu 14 súng. Thua 2 trận liên tiếp, binh lính địch hoang mang, sợ đi càn quét; nhưng hệ thống chỉ huy vẫn còn nuôi hy vọng dùng chiến thuật “trực thăng vận” bao vây tiêu diệt lực lượng vũ trang tập trung của ta ở vùng đồng trống.

Ngày 5-10-1962, địch phát hiện Đại đội I đóng ở Cầu Vông, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy. Đây là vùng trống trải. Lần này địch đổi cách đánh, cho trực thăng đổ quân bao vây từ 6 giờ sáng. Bộ đội đã ra công sự sẵn sàng chiến đấu, nổ súng ngay đợt đổ quân đầu tiên của địch, bắn hạ 3 máy bay, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, diệt đại đội 32 biệt động quân.

Sau đó, bộ đội chuyển trận địa lên xóm Chòi, Cống Quế chuẩn bị đánh tiếp. Lần đầu tiên địch bị bắn hạ 3 máy bay nên rất cay cú, chúng huy động cả lực lượng từ Sài Gòn, Long An xuống chi viện; nhưng sĩ quan, binh lính địch mất tinh thần, chỉ loay hoay lo lấy xác lính, giữ xác máy bay, không dám lùng sục truy kích.

Kể từ ngày 5-10-1962 đến 2-1-1963 xảy ra trận Ấp Bắc, địch cố tránh đụng độ với lực luợng vũ trang tập trung của tỉnh. Trong cuốn “Sự lừa dối hào nhoáng” của Neilsheehan, có viết một đoạn nói về tâm trạng sau trận đánh ngày 5-10-1962 như sau: “Hai chiếc máy bay lên thẳng bị trúng đạn nhiều lần, đã rơi xuống đất… Máy bay ném bom phóng pháo tới, ném bom, thả na-pan và róc két xuống. Nhưng lần này thì du kích không tỏ ra hoảng sợ như trước nữa…

Họ mang những người chết và bị thương theo và họ cũng mang hết số vỏ đạn văng vãi trên miệng hầm đi, để sau này có thể lau chùi sạch sẽ và lắp đạn với thuốc súng mới vào… Một số nhà lãnh đạo của Việt cộng đã dạy cho quân đội của họ không nên để sợ hãi làm rối trí… Cái thời kỳ mà người ta có thể giết họ một cách dễ dàng đang chấm dứt…

Những chiến sĩ du kích bình thường sẽ không còn sợ trực thăng như trước nữa. Sự kiện vừa qua cũng sẽ nâng cao uy thế của Việt cộng trong nông dân vùng vừa đánh nhau… Tổng cộng có khoảng 20 người của sư đoàn bị giết và 40 người khác bị thương… thì đây là những tổn thất nghiêm trọng… Có thể phải mất một thời gian… mới học được cách đánh tốt như Tiểu đoàn 514…”.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.