Thứ Hai, 30/12/2013, 07:02 (GMT+7)
.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh:Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh), sinh ngày 1-1-1914, trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phòng, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 17 tuổi, ông tham gia các cuộc đình công đòi chủ đồn điền trả tiền công cho người lao động.

Vốn là người có lòng yêu nước, căm thù thực dân, phong kiến, nên khi biết Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, ông quyết định lên Huế, cùng với một số bạn thân tìm hiểu tình hình và hướng đi của cụ Phan Bội Châu. Khi được các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu giác ngộ cách mạng, ông đã tích cực tham gia mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng ta phát động.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Đại hội Chi bộ 8 (Đoàn Hồng Hà), năm 1960. Ảnh chụp lại tại Thư viện Quân đội.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Đại hội Chi bộ 8 (Đoàn Hồng Hà), năm 1960. Ảnh chụp lại tại Thư viện Quân đội.

Trải qua thử thách trong đấu tranh chính trị, tháng 7-1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ. Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên và bị địch bắt.

Sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục hoạt động cách mạng và được cử lại làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên. Đến giữa năm 1939, đồng chí lại bị bọn thực dân bắt và giam cầm ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột…

Năm 1941, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vượt ngục, cùng một số đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy Lâm thời tỉnh Thừa Thiên, ra sức xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh và sau đó lại bị địch bắt năm 1943.

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh hoạt động ở miền Nam Trung bộ và đến tháng 8-1945, đồng chí được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5-7-1967). Ảnh tư liệu
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5-7-1967). Ảnh tư liệu

Năm 1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên và sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên. Từ cuối năm 1948 đến năm 1950, đồng chí là Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Cùng năm 1950, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó Bí thư Tổng Quân ủy.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Năm 1961, đồng chí được giao nhiệm vụ phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Khi nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Đảng điều động trở lại Quân đội.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân. Cả cuộc đời mình, Đại tướng đã mang hết tài năng và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng; đồng thời có nhiều đóng góp to lớn trong phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, góp phần xứng đáng đưa sự nghiệp kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm bộ đội Phòng không Không quân, năm 1967
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm bộ đội Phòng không Không quân, năm 1967

Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến vấn đề quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Ông khẳng định: “Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của Quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm” và “Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân”.

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu tấm gương sáng trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Từ khi còn trẻ tuổi cho đến cuối đời, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, tích cực hoạt động gây dựng cơ sở, gây dựng phong trào cách mạng. Bầu nhiệt huyết cách mạng và trái tim cộng sản của đồng chí luôn cống hiến cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Ông là một chiến sĩ cộng sản kiên cường; một vị chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm; một cán bộ lãnh đạo đức - tài vẹn toàn, tiêu biểu cho ý chí cách mạng kiên cường, gắn lý luận với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm; khiêm tốn, giản dị, gần gũi, chân tình, hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí. Vì thế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu mến, tin cậy, bạn bè quốc tế nể trọng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên trái) tăng gia sản xuất tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1966. Ảnh tư liệu
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên trái) tăng gia sản xuất tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1966. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất vào ngày 6-7-1967.

Với những đóng góp to lớn đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai và được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất và Huân chương Quân công hạng Nhất.

H.L
(Tổng hợp từ các nguồn tư liệu)

.
.
.