Thứ Sáu, 27/12/2013, 07:21 (GMT+7)
.

Dân chủ hình thức - tác hại và biện pháp khắc phục

Chúng ta thường phê phán dân chủ hình thức mà Đảng và Nhà nước ta đang đấu tranh để khắc phục, loại bỏ nó khỏi đời sống; đồng thời phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, làm cho xã hội ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp nhất. Thế nhưng, do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ hoặc vì những lý do khác mà phớt lờ đi và vẫn tồn tại ở một số nơi trong đời sống chính trị xã hội hiện nay.

Dân chủ hình thức là gì?

Dân chủ hình thức là động thái chính trị mà nhìn bên ngoài thì thấy dân chủ, nhưng thực chất là không có dân chủ. Hay nói cách khác là làm ra vẻ dân chủ mà không có dân chủ. Nó thường tồn tại trong sinh hoạt của các cơ quan Nhà nước, trong các tổ chức chính trị, xã hội hoặc những nơi mà các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích không có điều kiện bộc lộ rõ ràng như trong các tổ chức kinh tế.

Như chúng ta đã biết, quyền dân chủ thường được thực hiện tập trung nhất thông qua các cuộc bầu cử hoặc đơn giản hơn như việc lấy ý kiến của quần chúng về một vấn đề nào đó và thực hiện nó theo sự biểu quyết của đa số. Nhưng cũng với cách ấy, các giai cấp thống trị lợi dụng sự thiếu hiểu biết của quần chúng để sử dụng phổ biến thủ đoạn ấy như một giải pháp, nhằm xoa dịu nỗi khát khao dân chủ của nhân dân.

Người dân cảm thấy hài lòng vì mình được làm chủ, được tham gia ý kiến, quyết định những việc quan trọng theo quy định của pháp luật, nhưng thực chất vẫn duy trì quyền quyết định, tính chuyên quyền, độc đoán của người lãnh đạo. Những người hiểu biết thì vẫn cảm nhận được trò “ảo thuật” ấy, nhưng không thể bắt bẻ vì về mặt hình thức trông có vẻ hoàn hảo. Các chính khách chế độ cũ hay dùng thủ đoạn này và báo chí miền Nam trước năm 1975 gọi đó là dân chủ giả hiệu.

Những biểu hiện của dân chủ hình thức và tác hại

Dân chủ hình thức không khó nhận diện. Dân chủ hình thức có nhiều cấp độ và thường biểu hiện thông qua một trong những cách thức chủ yếu sau đây:

1. Lấy ý kiến quần chúng những việc mà họ không có đầy đủ thông tin, khiến họ không thể đưa ra quyết định theo sự lựa chọn của riêng mình. Trong trường hợp này, họ chỉ có thể nhắm mắt lựa chọn hoặc lựa chọn theo xu hướng của thông tin đại chúng. Đây là biểu hiện phổ biến nhất của dân chủ hình thức.

2. Lấy ý kiến biểu quyết của quần chúng đối với những nội dung không quan trọng, nhưng phớt lờ đi hoặc khéo léo giành quyền quyết định những việc quan trọng cho thiểu số hoặc cho cá nhân.

3. Tổ chức lấy ý kiến quần chúng rộng rãi, nhưng việc tập hợp và báo cáo tổng hợp ý kiến  không đầy đủ, không trung thực hoặc loại bỏ những ý kiến quan trọng nhưng trái với định kiến của lãnh đạo hoặc của cơ quan soạn thảo.

4. Lợi dụng tâm lý nể nang, ngại đụng chạm đang tồn tại khá phổ biến trong cán bộ và nhân dân nhằm đạt được kết quả biểu quyết gần như biết trước bằng cách tổ chức những hình thức biểu quyết hoặc bầu cử không bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia như:

+ Bầu cử bằng giơ tay hoặc những cách thức khác mà người đứng ra tổ chức bầu cử có thể kiểm soát chính kiến của người tham gia. Ví dụ như kiểm soát thông qua cách thức ghi hoặc đánh dấu phiếu bầu.

+ Bầu cử phổ thông nhưng lại tìm cách hạn chế người ứng cử, khiến người tham gia bầu cử không có nhiều sự lựa chọn cần thiết.

Dân chủ hình thức thực chất là ngăn chặn sự tham gia có tính quyết định của quần chúng vào những vấn đề hệ trọng của Nhà nước, của tổ chức và của cộng đồng xã hội. Dân chủ hình thức triệt tiêu tính tích cực và mọi sáng kiến của nhân dân, nó làm cho xã hội dễ dàng đạt được trạng thái ổn định chính trị (hơn tình trạng độc đoán) nhưng cũng đồng thời kềm hãm sự phát triển.

Theo đồng chí Bùi Đức Lại (chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương): “Dân chủ hình thức giống như thuốc giả, nó không chữa được bệnh mà còn làm mất tín nhiệm vào thuốc thật. Dân chủ hình thức không thể giải quyết được bất cứ mục tiêu, yêu cầu nào đặt ra, nhưng lại xuyên tạc, làm mất ý nghĩa, vô hiệu hóa dân chủ, phá hoại mọi niềm tin vào dân chủ thật sự. Xét trên khía cạnh đó, dân chủ hình thức có hại hơn mất dân chủ. Mất dân chủ thì còn dễ tìm ra được vấn đề, chỉ ra được địa chỉ cần đấu tranh khắc phục. Còn đối với dân chủ hình thức thì phức tạp hơn nhiều”.

Biện pháp khắc phục dân chủ hình thức

Chế độ ta là chế độ dân chủ, nhưng sở dĩ dân chủ hình thức có thể tồn tại được là vì những lý do sau đây:

+ Tâm lý xuê xoa, thờ ơ chính trị của một bộ phận quần chúng, kể cả của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ có thói quen coi mọi việc như thể là “đã được sắp đặt chu đáo” hoặc không thể thay đổi. Họ ngại bị đánh giá là “người gây khó khăn” hoặc “có tham vọng chính trị” nên dễ dãi bỏ qua những bước quan trọng trong quy trình lấy ý kiến hay bầu cử dân chủ.

+ Cơ chế kiểm soát dân chủ chưa chặt chẽ. Luật pháp cần quy định cụ thể và bắt buộc áp dụng những cách thức tổ chức bầu cử hoặc lấy ý kiến nhân dân một cách thực chất, hiệu quả nhằm bảo đảm quyền quyết định tuyệt đối của người tham gia bầu cử hoặc tham gia biểu quyết.

+ Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị hoặc chưa nhận thức đầy đủ những tác hại của dân chủ hình thức hoặc chưa tin dân, chưa tin cán bộ hoặc vì lợi ích cục bộ, vì chủ nghĩa thành tích muốn thấy mọi việc đều có “sự nhất trí cao” nên đã buông lỏng đấu tranh, thậm chí còn ủng hộ kiểu dân chủ hình thức.
 Nhưng dân chủ hình thức cũng đồng nghĩa với không có dân chủ.

Để khắc phục dân chủ hình thức, trước hết phải nâng cao ý thức dân chủ trong nhân dân. Phải làm cho mọi người dân ý thức sâu sắc dân chủ là thành quả của cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ của Đảng và nhân dân ta. Dân chủ cũng cần thiết như cơm ăn áo mặc, nó là quyền lợi và cũng là mục đích cần vươn tới. Vì vậy, phải xem việc thực hiện dân chủ thực sự vừa là lợi ích; đồng thời còn là nghĩa vụ của mọi công dân.

Nước ta là một nước dân chủ. Cơ quan Nhà nước về lập pháp cần xóa hết những lổ hổng pháp lý về quyền dân chủ của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân tham gia đầy đủ và thực chất vào các vấn đề quan trọng của Nhà nước và của cộng đồng xã hội.

Để góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và làm cho xã hội phát triển lành mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên và mọi công dân đều phải nâng cao ý thức làm chủ và đấu tranh chống dân chủ hình thức dưới mọi hình thức biểu hiện của nó.

NGÔ DUY THƯỢNG

.
.
.