Tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa lao động với doanh nghiệp
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập góp phần làm cho nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước sau khi đẩy mạnh cổ phần hóa đã nâng lên về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng phát triển mạnh, thu hút đông đảo lao động, đa dạng ngành nghề, sản xuất và kinh doanh nhiều chủng loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tỉnh, cung ứng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý, điều hành của chủ doanh nghiệp, sự tập trung lao động sáng tạo, hiệu quả của công nhân lao động và vai trò của cơ chế, chính sách của Nhà nước, còn có vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể.
Để làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, vận động, thuyết phục nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp.
Hàng năm, có tổ chức gặp gỡ, biểu dương doanh nghiệp, công nhân lao động tiêu biểu qua các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh và thi đua yêu nước. Từ đó, tạo động lực để công nhân lao động tích cực tìm hiểu, tham gia xây dựng Đảng, đoàn thể và phấn đấu rèn luyện trở thành đảng viên, đoàn viên, hội viên.
Cán bộ Ban Dân vận Trung ương và tỉnh đến thăm một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Trung An. |
Những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể thì đây là trọng tâm cần thực hiện thường xuyên, với sự hướng dẫn sâu sát của Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Kết luận 80-KL/TW, của cấp ủy Đảng, đoàn thể địa phương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh.
Doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng cần thường xuyên được củng cố, nâng chất lượng về tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt; phân công cán bộ, đảng viên có uy tín và nhiệt tâm để xây dựng, nòng cốt trong việc thành lập, phát triển các đoàn thể phù hợp thực tiễn hoạt động doanh nghiệp; coi trọng việc chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua lao động sáng tạo, thi đua thực hành tiết kiệm gắn với đổi mới, phát huy mô hình, hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống trong lực lượng công nhân, lao động, góp phần tạo sự hiểu biết sâu sắc và sự gắn bó chặt chẽ giữa công nhân, lao động và doanh nghiệp, nhất là gầy dựng các phong trào thúc đẩy tính hăng say lao động sáng tạo, chuyên cần, tiết kiệm của công nhân - điều mà giới chủ doanh nghiệp luôn mong đợi ở người lao động.
Thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, lãn công không đúng trình tự pháp luật lao động có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và môi trường đầu tư, làm thiệt hại cho người lao động, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Các cấp, các ngành hữu quan cùng chia sẻ trách nhiệm giải quyết, có nhiều tiến bộ trong quan hệ giải quyết các tranh chấp ấy, đa phần là tháo gỡ bất hòa về mối quan hệ giữa người chủ và người lao động, giữa người quản lý với các công nhân trực tiếp sản xuất; có sự nhượng bộ, điều chỉnh nâng lên về chế độ tiền lương, tiền công tăng giờ, tăng ca; hay mức tiền ăn giữa giờ, hay chế độ lương thưởng, nghỉ ngơi ngày lễ, tết…
Thật ra đó chẳng qua là sự giải tỏa mang tính tình thế khi mà quan hệ lợi nhuận - lợi ích xảy ra. Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của người lao động trong nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được bảo đảm; công tác quản lý Nhà nước về lao động còn bất cập; nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa có tổ chức Công đoàn, hoặc có tổ chức Công đoàn nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa trở thành người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Vấn đề căn cơ cần quan tâm đó là sự công khai, minh bạch trong quan hệ hợp đồng lao động, rõ ràng, minh bạch về chế độ lương, phụ cấp, bảo hiểm theo hướng có lợi cho cả 2 bên chủ thể hợp đồng lao động và phù hợp quy định của pháp luật. Người lao động và cả chủ doanh nghiệp cần thể hiện sự cầu thị, dân chủ, biết quan tâm đến sự khó khăn thực tế của chủ thể bên kia, mới không tạo nên tình huống bức xúc, căng thẳng trong quan hệ lao động.
Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp cần hết sức coi trọng đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trong hợp đồng lao động doanh nghiệp. Ở đó, người quản lý và người lao động trong công ty có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, chấp hành các nội quy, quy chế của công ty và các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người quản lý và người lao động.
Chủ doanh nghiệp phải tạo điều kiện để người lao động thực hiện 2 quyền: Đó là quyền tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và quyền gia nhập các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI có nhận định rằng, văn hóa của doanh nghiệp chưa phát triển theo kịp sự phát triển của kinh tế doanh nghiệp. Liên hệ đến góc độ các vấn đề vừa nêu ở trên, có thể xem việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở doanh nghiệp cũng là một trong những khía cạnh của nền nếp lao động có văn hóa, thể hiện tính văn minh của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ở đó, cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là sự công khai, minh bạch của chế độ hợp đồng lao động, của việc thực thi đúng, đủ các chính sách về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội; là sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, hợp tác cùng phát triển của 2 phía: chủ doanh nghiệp và người lao động, trong quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay.
BÙI THÁI SƠN