Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử"
Sáng 6-1, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” chính thức được khai mạc tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắc tổ chức từ ngày 6 đến 12-1 tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (số 1 đường Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột).
Triển lãm giới thiệu 200 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước.
Bản đồ tổng thể lãnh thổ Trung quốc trong Postal Atlas of China 1919, phần cực Nam lãnh thổ là đảo Hải Nam. Ảnh: Báo Đắk Lắk |
Đáng chú ý trong đó có trưng bày 4 cuốn Atlas của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc in vào các năm 1917, năm 1919 và năm 1933 do Phái bộ Truyền giáo London in cho nhà Thanh vào năm 1908. Các tư liệu này chứng tỏ Trung Quốc không có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà họ gọi là Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), cũng như những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Trang bản đồ tỉnh Quảng Đông trong Postal Atlas of China 1919, thể hiện rõ cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông lúc bấy giờ.
Theo Ban Tổ chức, tất cả những bằng chứng lịch sử tại Triển lãm khẳng định: Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất sớm. Gần 200 bản đồ, tư liệu được trưng bày trong triển lãm lần này chỉ là một phần nhỏ các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được từ Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Các tư liệu đã góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông vốn được tổ tiên người Việt bao đời và các Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia từ trước thế kỷ XVII và duy trì liên tục, hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục, hoà bình từ lâu đời đối với hai quần đảo, Công ước là công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền của biển đảo của đất nước.
Công ước Luật Biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý chung cho việc phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa nước ta với các nước xung quanh Biển Đông, góp phần tạo dựng sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông.
(Theo chinhphu.vn)