Bà Nguyễn Ngọc Việt kể về những đóng góp của gia đình họ Trương
Chiều 18-3, tại ngôi nhà Từ đường dòng họ Trương ở ấp Xóm Dinh, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, gia đình bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa bà Nguyễn Ngọc Việt (Bảy Ngọc Việt), nguyên Ủy viên Khu Tây Nam bộ, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gò Công với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành tỉnh; Huyện ủy, UBND 4 huyện, thị phía Đông để nghe bà Bảy Ngọc Việt kể về những đóng góp mà gia đình họ Trương nói chung, bà Trần Thị Ngọc (bà nội của bà Trương Mỹ Hoa) nói riêng tham gia hoạt động cách mạng nhân dịp gia đình tổ chức lễ giỗ đầu tiên cho bà Ngọc tại ngôi nhà Từ đường vừa mới xây dựng.
Lãnh đạo các cấp trong tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng bà Nguyễn Ngọc Việt và gia đình nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Được biết, ngôi nhà này trước đây là căn cứ của Tỉnh ủy Gò Công, Xã ủy Long Thuận, có gần 20 hầm bí mật xung quanh nhà để nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục, động viên con cháu dòng họ Trương tham gia cách mạng, hầu hết đều thành đạt và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước hiện nay.
Tại buổi gặp gỡ, bà Bảy Ngọc Việt kể những câu chuyện về người dân Xóm Dinh, về cụ bà Trần Thị Ngọc từ năm 1946 đến năm 1957… Qua các câu chuyện cho thấy, hầu như nhà nào ở Xóm Dinh cũng đều có người tham gia kháng chiến và nuôi giấu cán bộ bám trụ để hoạt động. Nơi đây là trạm liên lạc, đường dây giao liên từ huyện lên tỉnh, từ thị xã vào nội ô.
Riêng cụ bà Trần Thị Ngọc, dù nhà chỉ có vài sào ruộng, phải đối mặt với những khó khăn, gian khổ, nhưng cụ bà vẫn âm thầm tham gia xây dựng cơ sở nhân tâm, cất giấu tài liệu mật tại nhà mình, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng hoạt động. Bà còn trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp tế giấy in cho Nhà in Ty Thông tin - Văn hóa, tiếp tế thuốc men cho Quân y viện 305 bên Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh hiện nay).
Nhà bà còn là nơi hội họp của Xã ủy Long Thuận, Thị xã ủy Gò Công và cán bộ cách mạng bàn kế sách hoạt động đánh địch… Từ những công lao của bà Ngọc và gia đình họ Trương, bà Bảy Ngọc Việt đề nghị các ngành chức năng căn cứ vào những đóng góp to lớn cho cách mạng để đề xuất cấp có thẩm quyền truy tặng danh hiệu cho bà Ngọc đúng với quy định của pháp luật.
Ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ghi nhận những ý kiến đề xuất của bà Bảy Ngọc Việt và đề nghị địa phương tiếp tục gặp gỡ, thu thập thêm tư liệu, sự kiện về gia đình họ Trương và bản thân cụ bà Trần Thị Ngọc qua các nhân chứng lịch sử còn sống tại Xóm Dinh để Sở LĐ-TB&XH hoàn thành hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu xứng đáng với công lao mà cụ bà đã đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
THU THẢO