Thứ Tư, 12/03/2014, 11:01 (GMT+7)
.

Bản lĩnh chính trị - phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên

Đảng ta khẳng định: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tuy nhiên, do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện nên kết quả chưa tương xứng với mục đích, yêu cầu đã đặt ra “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp…”.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt chủ quan, cần chú ý đến nguyên nhân: Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, nói không đi đôi với làm; nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở một số nơi thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ yêu cầu… Suy cho cùng, những hạn chế đó là do cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh trong việc tự xem xét bản thân và góp ý phê bình đồng chí, đồng nghiệp một cách nghiêm túc.

Từ sự đánh giá nêu trên và trước yêu cầu mới của đất nước, Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng” nhằm “… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực…”.

Trong thực tế, quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, củng cố và nâng cao bản lĩnh của mỗi người là điều không đơn giản. Trong quá trình đó, nếu cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh thì chủ nghĩa cá nhân sẽ có điều kiện phát triển. Nó sẽ đẩy họ đi vào con đường tha hóa, tự đánh mất lương tâm và nhân phẩm. Mặt khác, những trường hợp sai phạm của cán bộ, đảng viên cũng có trách nhiệm của tập thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cùng cơ quan, đơn vị.

Do thiếu bản lĩnh nên cán bộ, đảng viên và quần chúng trong những cơ quan, đơn vị có cán bộ, đảng viên sai phạm đã “nể nang nhau”, không dám thẳng thắn và nghiêm khắc góp ý phê bình. Sự nể nang đã làm cho những cán bộ, đảng viên có hạn chế, thiếu sót thiếu động lực cần thiết để loại trừ chủ nghĩa cá nhân, vượt qua những hạn chế, sai phạm của bản thân.

Trong thực tiễn, đạo đức cách mạng luôn đòi hỏi phải “dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa; không rụt rè, nhút nhát”. Những phẩm chất đó chỉ có thể có được ở những người có bản lĩnh và sự kiên trì trong quá trình tu dưỡng và rèn luyện. Họ phải phấn đấu suốt cả cuộc đời cùng với sự giúp đỡ tích cực của tập thể, của cơ quan, của tổ chức cơ sở Đảng và toàn xã hội.

Bác Hồ đã từng lưu ý: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do đó, bản lĩnh chính trị là rất cần thiết đối với mỗi con người, nhất là đối với cán bộ, đảng viên trong việc hoàn thiện đạo đức của cá nhân và góp phần tích cực vào việc xây dựng nền đạo đức cách mạng. Ngoài ra, việc rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi người cũng rất cần đến sự giám sát, giúp đỡ và ủng hộ của tập thể, của xã hội.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương, từng đảng bộ cơ sở, chi bộ đã tiến hành nghiêm túc theo đúng quy trình và đạt được những kết quả bước đầu: Nhận thức được nâng cao, từng tập thể, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã được cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe về nguy cơ suy thoái, thấy rõ ưu điểm để phát huy, có giải pháp cụ thể và đang thực hiện nghiêm túc để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) có nội dung mang tính chiến đấu rất cao, đáp ứng được mong mỏi của toàn dân, toàn Đảng với những giải pháp cụ thể, mà trọng tâm và xuyên suốt là chỉnh đốn Đảng từ trên xuống. Cách làm này thể hiện bản lĩnh của Đảng quyết tâm làm trong sạch mình, thẳng thắn soi rọi vào những yếu kém, sai lầm để sửa chữa, khắc phục.

Như vậy, trong quá trình thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), việc rèn luyện bản lĩnh cá nhân là rất cần thiết. Nó là điều kiện tiên quyết để mọi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên loại trừ những hạn chế của bản thân và chủ động thực hiện việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách theo tấm gương của Bác Hồ, trong đó cần thấm nhuần và thường xuyên phấn đấu rèn luyện bản lĩnh chính trị mà Bác Hồ thường lưu ý, nhắc nhở cán bộ, đảng viên “giàu sang không thể quyến rủ, nghèo khó không thể lay chuyển, uy lực không thể khuất phục”.

Bản lĩnh này sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ vật chất, vượt qua những suy tính hơn thiệt theo chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng. Từ đó tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng luôn trong sạch vững mạnh, luôn “là đạo đức, là văn minh”.

NGUYỄN QUỐC DŨNG

.
.
.