Đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Liệt sĩ Phạm Thành Trung
Theo thông tin từ UBND huyện Cái Bè, các ngành chức năng huyện đã hoàn tất thủ tục hồ sơ đề nghị xét truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Phạm Thành Trung, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh Mỹ Tho, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Cái Bè.
Mộ Liệt sĩ Phạm Thành Trung tại Nghĩa trang Hàng Dương |
Liệt sĩ Phạm Thành Trung tên thật là Phạm Văn Đua, sinh năm 1922 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại làng Mỹ Thiện, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Thiện Trung, huyện Cái Bè). Vào thời điểm cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia hoạt động cách mạng tại xã nhà với các chức vụ lần lượt trải qua như: Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã và Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Mỹ Tho (1947-1952).
Đến giữa năm 1952, với nhiệm vụ là Huyện ủy viên huyện Cái Bè, Chính trị viên phó Huyện đội, ông cùng Huyện ủy lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích ở Cái Bè phát triển mạnh mẽ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau năm 1954, ông được tổ chức phân công ở lại địa phương hoạt động. Trong tình hình mới đầy khó khăn, gian khổ của thời kỳ mới lúc bấy giờ, trên cương vị là Tỉnh ủy viên tỉnh Mỹ Tho, Bí thư Huyện ủy huyện Cái Bè, ông vẫn bám sát cơ sở và địa bàn để lãnh đạo phong trào đấu tranh nhân dân.
Với sự lãnh đạo bằng tài trí mưu lược của ông, phong trào cách mạng ở Cái Bè được giữ vững trước sự khủng bố ác liệt của Mỹ-Diệm. Vào tháng 7-1958, trên đường đi công tác từ Hậu Mỹ lên Mỹ Đức Tây (Cái Bè), ông lọt vào ổ phục kích và sau đó bị giam qua các nhà tù ở Cái Bè, Mỹ Tho, Phú Lợi và Côn Đảo.
Mặc dù bị hành hạ, tra tấn dã man cùng mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù ở các nhà tù nhưng ông vẫn một lòng trung kiên, trung thành với Đảng, với nhân dân. Ngày 27-3-1961, tại nhà tù Côn Đảo, ông viết bản xác định lập trường kiên quyết không nói xấu Bác Hồ và chống ly khai Đảng Cộng sản.
Bất lực trước ý chí gang thép của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, vào buổi tối cùng ngày, bọn cai ngục đã hành hạ, đánh đập ông cho tới chết và chôn vùi vào một hố chôn tập thể ở Nghĩa trang Hàng Dương.
Tại Nghĩa trang Hàng Dương, phần mộ của ông cùng nằm cách ngôi mộ của nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu ba hàng mộ về phía bên trái. Đây là ngôi mộ tập thể của 5 liệt sĩ (trong đó có 3 Tỉnh ủy viên và 2 Huyện ủy viên) bị kẻ thù tra tấn đến chết trong đêm 27-3.
Tên của người Liệt sĩ Phạm Thành Trung hiện được đặt tên cho ngôi trường THPT ở xã An Thái Trung, huyện Cái Bè theo Quyết định số 3657/QD9-UB ngày 25-9-2003 của UBND tỉnh.
PHÙNG LONG