Kỷ niệm 27-3: Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nền thể thao cách mạng
Trong xã hội phong kiến, ở nước ta không hề có một tổ chức chuyên trách nào điều hành các hoạt động TDTT của dân tộc. Các hoạt động này chủ yếu gắn với việc quân của triều đình, do các tướng lĩnh trực tiếp tiến hành tổ chức huấn luyện, tập dượt, vui chơi thi đấu trong binh lính.
Còn phong trào TDTT dân tộc của dân chúng thì nhà nước phong kiến không đứng ra trực tiếp điều hành các hoạt động này, phong trào chủ yếu mang tính tự phát trong thanh niên, thiếu niên, họ sáng tạo ra các trò chơi vận động vui khỏe, hình thành các lò vật, lập ra các môn phái võ thuật, tự tổ chức tập luyện vui chơi, thi đấu tranh giải trong làng, ngoài xã.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đất nước vừa giành được độc lập đã gặp phải biết bao khó khăn, trở lực, bởi thù trong, giặc ngoài cộng thêm với nền kinh tế do chế độ cũ để lại rất nghèo nàn lạc hậu, nhân dân nhiều nơi đói rét, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút.
Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời, nhằm đẩy lùi những khó khăn trở lực và Người kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; đồng thời Người đã sớm ký sắc lệnh thành lập ngành TDTT của nước Việt Nam mới.
Trước Tết Ất Dậu nửa tháng, ngày 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên.
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam |
Ngành TDTT mới ra đời có nhiệm vụ là "liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc". Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục - đặc biệt ngay sau đó, Người đã viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục.
"Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam mới. Lời kêu gọi do Bác tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được.
Người viết: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập".
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác đã chỉ ra mục đích, tính chất của phong trào TDTT, của nền TDTT mới của nước Việt Nam mới. Người chỉ rõ: Mục đích là phát triển phong trào tập thể dục đặng giữ gìn và bồi đắp sức khỏe cho mọi người, "Dân cường thì nước thịnh". Sức khỏe của toàn thể đồng bào làm nên cho sự thịnh vượng của đất nước, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Người chỉ rõ tính chất đại chúng của phong trào TDTT, của nền TDTT mới: "Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục" từ già trẻ, gái trai đều cần thiết tập thể dục. Tập thể dục là yêu nước, bởi vì mỗi người dân có sức khỏe mới tham gia "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Dân cường thì nước thịnh".
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục với ý tưởng cao đẹp của Người có ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ hai tháng sau khi Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác đăng trên Báo Cứu Quốc, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào "Khỏe vì nước" sôi nổi. Phong trào "Khỏe vì nước" thực chất là bước khởi đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
TẤN ĐỜI