Giọt nước mắt và niềm vui dân tộc
Rất nhiều người đã chứng kiến cảnh mẹ Giảng Thị Gấm đã rơi nước mắt khi đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) từ tay ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy vào ngày 18-4.
Mẹ Giảng Thị Gấm sinh năm 1943, hiện ngụ tại ấp 3, xã Anh hùng Bình Xuân và là 1 trong 5 Bà mẹ VNAH còn sống của TX. Gò Công được vinh danh trong đợt này. Tâm sự với chúng tôi, mẹ Gấm nói rằng, mẹ có 2 con trai đã hy sinh ở chiến trường Tây - Nam. Hôm nay mẹ khóc vì nhớ con, khóc vì mừng được tặng danh hiệu cao quý và mừng hơn cho đất nước đã độc lập.
Mẹ Giảng Thị Gấm đã rơi nước mắt khi đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH từ tay ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy. |
Mảnh đất anh hùng Bình Xuân đã sản sinh ra rất nhiều bà mẹ như thế, nhưng đến nay người còn người mất. Ông Nguyễn Văn Viên, con Mẹ VNAH Phan Thị Sáu đã tâm sự, 2 cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã giành thắng lợi và thống nhất đất nước đã được 39 năm, những vết tích chiến tranh đã được hàn gắn, cuộc sống đang được hồi sinh và càng phát triển về mọi mặt.
Có được ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự góp công, góp của và cống hiến hết sức to lớn của toàn dân tộc, đặc biệt là sự đóng góp xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Từ khi đất nước hòa bình đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách: Trợ cấp thường xuyên, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ thờ cúng liệt sĩ, quy tập mộ chí, xây dựng võ mộ; xây dựng, tu sửa và tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn.
Đảng và Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách: Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH còn sống, xây tặng nhà tình nghĩa… Đó là những việc làm thể hiện sự tri ân, nhằm bù đắp một phần sự hy sinh, mất mát của các đối tượng có công và gia đình chính sách.
Chiến tranh luôn đi liền với sự khốc liệt, là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, sự mất mát chia ly dài hơn đoàn tụ; là những khó khăn, vất vả trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những điều này đều gắn liền với các Bà mẹ VNAH. Để có ngày hòa bình, thống nhất hôm nay, cả nước đã có hơn 2 triệu cán bộ và chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh, cũng ngần ấy các bà mẹ phải khóc con, những góa phụ khóc chồng và những người thân đã mãi mãi nằm xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nhiều bà mẹ đã có quá trình tham gia kháng chiến, hoạt động công khai và bí mật. Các mẹ luôn mưu trí, dũng cảm, giữ vững khí tiết cách mạng dù trong hoàn cảnh bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man. Nhiều bà mẹ luôn làm tốt công tác giao liên và tiếp tế hậu cần, cũng như công tác nuôi giấu cán bộ, đào hầm bí mật, cất giấu vũ khí, tài liệu cho kháng chiến hoặc trực tiếp tham gia đấu tranh cách mạng, phá ấp chiến lược, cứu thương, tải đạn, diệt ác trừ gian, với ý chí gan dạ và niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Đất nước yên bình nhờ có sự cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước. Đó cũng là những bài học lớn để thế hệ trẻ tự hào, thể hiện trách nhiệm của mình ở hiện tại và tương lai. Để viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, anh Trần Phạm Vĩnh An, Bí thư Thị đoàn Gò Công đã khẳng định, tuổi trẻ TX. Gò Công nói riêng và cả nước nói chung luôn tri ân sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã dâng hiến một phần thân thể của mình, đêm từng đêm âm ỉ đau với những vết thương, mảnh đạn còn sót lại trong người; những người mẹ, người chị, người con đã gạt nước mắt tiễn con, chia tay chồng, rời xa cha và từng ngày mong chờ họp mặt. Những hy sinh mất mát đó của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và sự hy sinh thầm lặng của các bà mẹ… đã góp phần đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thành công.
Mặc dù chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn không thể xóa nhòa. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của các Mẹ VNAH và của toàn dân ta cho sự nghiệp cách mạng vẫn không thể nào đếm được. Đã có biết bao bà mẹ và các gia đình có công với cách mạng đã phải gánh chịu nỗi đau và sự mất mát do chiến tranh gây ra. Khi hòa bình lập lại, trong dòng người hò reo mừng chiến thắng, vẫn có những bà mẹ, người vợ âm thầm chịu đựng nỗi đau do mất con, mất chồng và những người thân yêu của mình. Đó là những điều mà thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn ghi nhớ, tri ân và có trách nhiệm với các thế hệ đã ngã xuống cho ngày độc lập hôm nay.
Và có lẽ cũng chính từ điều này, khi phát biểu tại buổi Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH tại TX. Gò Công vào ngày 18-4, ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục tăng cường chăm sóc người có công, chăm sóc các Mẹ VNAH, các gia đình thương binh, liệt sĩ; đồng thời tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc ưu đãi người có công với cách mạng nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho gia đình chính sách, người có công và làm tốt công tác giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ...
Hôm nay, giọt nước mắt của mẹ Giảng Thị Gấm lại rơi, nhưng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác khau, cả nỗi buồn lẫn niềm vui. Và có lẽ, trong 613 bà mẹ trên địa bàn tỉnh vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH trong đợt 1-2014, nhiều giọt nước mắt cũng đã rơi như mẹ Gấm. Những giọt nước mắt vì thương chồng, nhớ con và mừng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước đã thành công. Điều này thật sự mang nhiều ý nghĩa sâu sắc khi cả nước tổ chức kỷ niệm 39 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước
30-4-1975 - 30-4-2014.
PHƯƠNG ANH