Hướng đến thành lập thị xã Cai Lậy: Tin tưởng và kỳ vọng
Việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy theo Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 26-12-2013 của Chính phủ đang được kỳ vọng sẽ mang lại sức bật mới cho Cai Lậy - vùng đất phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Đến thời điểm này, huyện Cai Lậy đang khẩn trương hoàn thành mọi công việc cho chia tách thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy, đặc biệc là sự kiện Lễ công bố Nghị quyết 130/NQ-CP sẽ diễn ra vào ngày 29-4-2014.
Phấn khởi trước những đổi thay của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy đang gửi gắm niềm tin tưởng, kỳ vọng và từng ngày góp sức thực hiện những công việc cần thiết để hình thành diện mạo thị xã Cai Lậy văn minh, hiện đại và tiếp tục xây dựng huyện Cai Lậy phát triển.
Bà Đồng Thị Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cai Lậy: Ðáp ứng nhu cầu phát triển và phù hợp nguyện vọng của nhân dân
Việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy là yêu cầu tất yếu khách quan, là một chủ trương lớn của tỉnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung, mà còn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Do đó, các cấp hội và đoàn thể của MTTQ huyện Cai Lậy đều nhất trí, đồng thuận cao với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính này.
Việc chia tách huyện Cai Lậy lần này cũng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của MTTQ và các đoàn thể của huyện, nhất là trong việc quản lý, hướng dẫn cơ sở sẽ chặt chẽ hơn do địa bàn đã được thu hẹp hơn trước; đồng thời sẽ có điều kiện để tăng cường hơn nữa việc xây dựng và phát triển hoạt động phong trào.
Hy vọng với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng định hướng phát triển phù hợp, thị xã Cai Lậy sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng một thị xã năng động trong tương lai.
Riêng huyện Cai Lậy với hạ tầng cơ sở vật chất hiện có đã được Nhà nước đầu tư qua nhiều năm, cùng với diện tích tự nhiên khá lớn, lực lượng lao động dồi dào... sẽ thu hút đầu tư đa dạng các ngành nghề sản xuất, chế biến có lợi thế, để giúp bộ mặt các vùng nông thôn mới của huyện thêm khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ: Phấn khởi nhưng không khỏi bỡ ngỡ
Cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân của xã Nhị Mỹ đều đã được quán triệt mục đích, yêu cầu của việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy.
Xác định việc chia tách huyện Cai Lậy lần này là một chủ trương lớn, mở ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để vùng đất Cai Lậy phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và đồng đều hơn.
Trong đó, thực hiện Nghị quyết 130/NQ-CP của Chính phủ, xã Nhị Mỹ được chia tách một phần sáp nhập với thị trấn Cai Lậy để thành lập phường 4 và phần còn lại của xã Nhị Mỹ sẽ thành lập phường Nhị Mỹ của thị xã Cai Lậy. Xã Nhị Mỹ lên phường là một sự kiện trọng đại, tạo niềm tin, phấn khởi mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của xã.
Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho ngày ra mắt và chính thức đi vào hoạt động của phường Nhị Mỹ đang được khẩn trương hoàn thành. Không khỏi có những bỡ ngỡ khi chuyển từ mô hình quản lý xã lên phường, bởi sự chuyển đổi này có nhiều sự khác biệt, nhưng mọi công việc đều được chuẩn bị sẵn sàng để có thể phục vụ tốt nhất yêu cầu của các tổ chức, cá nhân ngay từ những ngày đầu phường Nhị Mỹ chính thức đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, chính quyền xã Nhị Mỹ đề nghị cấp trên tiếp tục đầu tư ở tất cả các lĩnh vực cho Nhị Mỹ sau khi lên phường.
Mong rằng việc nâng xã Nhị Mỹ thành phường sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị, tạo điều kiện để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn; đồng thời, Nhị Mỹ sẽ mang một tầm vóc mới, xứng đáng với tầm vóc phát triển chung của thị xã Cai Lậy văn minh, hiện đại.
Ông Phan Thanh Tùng, một người dân ở khu 4, thị trấn Cai Lậy: Mong chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao
Không phải bây giờ mà ngay từ những năm trước, chủ trương chia tách huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy đã được nhắc đến nhiều và niềm mong chờ của người dân nay đã thành hiện thực.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân và Ðảng bộ, chính quyền huyện. Dù có sự thay đổi lớn về địa giới hành chính, nhưng người dân rất yên tâm và tin trưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo cho việc chia tách huyện Cai Lậy sẽ bảo đảm mọi giao dịch, hoạt động của nhân dân, doanh nghiệp được thông suốt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu sau khi chia tách.
Sắp trở thành cư dân thị xã Cai Lậy, tôi mong rằng bộ máy chính quyền mới của thị xã Cai Lậy sẽ sớm ổn định để xây dựng, phát triển thị xã theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, cần chú trọng cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng; bộ máy chính quyền sẽ đổi mới cung cách quản lý theo hướng nhanh gọn, thuận tiện hơn cho người dân; đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân để theo kịp mức sống đô thị.
PHƯƠNG NGHI (lược ghi)