Thứ Ba, 29/04/2014, 18:15 (GMT+7)
.

Mỹ Tho trong ngày đại thắng

Phát huy thắng lợi trong chiến dịch Đông xuân 1974 -1975, cùng phối hợp với chiến trường chung, quân và dân thành phố Mỹ Tho đã tập trung mọi cố gắng cao nhất, kiên quyết đứng lên giải phóng quê hương.

Tháng 4-1975, tin vui thắng trận từ các chiến trường báo về, đã làm nức lòng người dân thành phố, giờ phút cuối cùng của kẻ thù đã điểm, binh lính và sĩ quan địch hoang mang cực độ. Nhưng với bản chất ngoan cố, địch vẫn cố sống cố chết giữ Nam bộ.

Mỹ Tho một chiến trường trọng điểm có nhiệm vụ chặn đánh địch không cho chúng từ miền Đông và Sài Gòn rút về co cụm, đồng thời cầm chân địch không cho chúng từ đồng bằng lên chi viện cho Sài Gòn. Lực lượng địch lúc này ở Mỹ Tho có 8.676 tên gồm đủ các sắc lính, cuối tháng tư địch đã tập trung gần 2 sư đoàn gồm sư đoàn 7 và sư đoàn 9.

Chúng bố trí lực lượng ở khắp các vị trí quan trọng trên các nhà cao tầng với quyết tâm tử thủ thành phố. Để giảm bớt tổn thất xương máu không cần thiết trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ta tổ chức các lực lượng chính trị cũng như binh vận tích cực vận động binh lính sĩ quan bỏ ngũ, trở về nhà, đồng thời tung tin hù dọa làm cho chúng rối loạn, gây mâu thuẫn giữa binh lính và chỉ huy…

Trưa ngày 30-4, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lực lượng chủ lực và bảo an địch hoang mang cực độ, một số bỏ súng ống để chạy trốn, bọn tề và phòng vệ dân sự tan rã, chính quyền địch hoang mang dao động.

Đứng trước thời cơ thuận lợi trên, mặc dù quan chủ lực của Khu và tỉnh chưa kịp về phối hợp nhưng các lực lượng nội thành, đặc biệt là lực lượng Thành đoàn đã nhanh chóng đứng lên phát động quần chúng nổi dậy làm chủ. Lực lượng chủ công của Thành đoàn đã nhanh chóng nổi dậy chiếm trường Nguyễn Đình Chiểu. Lá cờ giải phóng đã được giương lúc 15 giờ. Sau đó lực lượng này triển khai chiếm Sở học chánh, ngân hàng, bệnh viện…và các công sở khu vực phường 1.

16 giờ 30 phút khám đường Mỹ Tho đã được giải phóng, thanh niên phường 5 cũng nổi dậy làm chủ khu vực ấp Chiến Thắng từ cầu Đạo Ngạn đến bến xe. Tiếp theo là các công sở nội thành cũng phát động quần chúng nổi dậy tiếp thu các công sở, xí nghiệp, trụ sở…binh lính địch tự tan rã hàng loạt. Các phân chi khu Trung An, Đạo Thạnh, Mỹ Phong và các đồn bót lần lượt đầu hàng. Các tiểu đoàn bảo an 513, 516 và đại đội 402 cũng tự tan rã.

Đến 19 giờ, ta đã làm chủ hầu hết thành phố. Phát huy khí thế tiến công áp đảo địch, đồng thời nhằm tránh gây tổn thất thương vong về người và của cho cả 2 bên, Thành ủy chỉ đạo giao nhiệm vụ cho đội biệt động thành đoàn dùng loa phát thành kêu gọi địch buông súng đầu hàng.

Tại phường 5, lực lượng thành đoàn và các đồng chí đảng viên trong chi bộ nội thành của phường 5 đã chặn 1 đoàn xe M. 113 từ hướng Trung Lương kéo đến và đậu từ cầu Bạch Nha đến cầu Đạo Ngạn. Lúc này lực lượng của ta phát loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh, cuối cùng tất cả binh lính bỏ súng đầu hàng. Cùng lúc đó lực lượng chủ lực của khu, tỉnh đã nhanh chóng hành quân cấp tốc bằng mọi phương tiện tiếp thu và kêu gọi binh lính địch buồng súng đầu hàng.

Tại căn cứ Hùng Vương lực lượng cánh Tây và phường 6 đã chiếm xe M. 113 và tiến vào chiếm các căn cứ pháo binh của địch. Suốt đêm 30-4, các lực lượng võ trang kết hợp cùng quần chúng nổi dậy tiếp tục chiếm các mục tiêu còn lại. Với khí thế tiến công như vũ bão của lực lượng võ trang cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong thành phố, buộc địch phải lần lượt buông súng đầu hàng.

Riêng quân lính hải quân của địch đóng tại trại Chương Dương vẫn ngoan cố neo tàu ngoài sông, dùng súng bắn vào lực lượng thành đoàn đang phát loa kêu gọi địch đầu hàng, làm đồng chí Ba Trầm hy sinh. Đến khoảng 23 giờ, lực lượng ta làm chủ hoàn toàn thành phố.

Trong cuộc chiến đấu giải phóng thành phố, các lực lượng võ trang phối hợp cùng nhân dân đã tích cực chủ động bao vây, tấn công địch, dùng 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận làm tan rã và kêu gọi đầu hàng hàng chục ngàn tên địch. Về phí ta hy sinh 5 đồng chí. Mọi công sở xí nghiệp, nhà máy dịch vụ được tiếp thu và duy trì hoạt động bình thường. Đó là cả một kỳ tích trong lịch sử đấu tranh, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt tài tình, linh hoạt của tập thể đảng bộ thành phố trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn thành phố.

Để có được giờ phút thiêng liêng, vui mừng phấn khởi và niềm tự hào là người chiến thắng, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã không quản ngại gian khổ hy sinh, khắc phục mọi khó khăn tạo nên những chiến công oai hùng, góp phần cũng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975.

TẤN ĐỜI

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ TP. Mỹ Tho 1927 -1975-
 Xuất bản tháng 9-1999

.
.
.