30-4: Cột mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam
Tiến sĩ TRẦN THẾ NGỌC
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang
30-4-1975, đứng giữa quảng trường với cả một rừng người cờ hoa rực rỡ, chắc ai cũng không thể nào quên phút giây diệu kỳ đó. Một niềm tự hào về thành quả thắng lợi suốt bao năm trường kỳ kháng chiến của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để cho giang sơn được độc lập, hòa bình, thống nhất.
Một niềm xúc động tột cùng trước những cảnh tao phùng không hẹn trước, hạnh phúc bất chợt dâng trào giọt nước mắt buổi đoàn viên. Một niềm hy vọng về đất nước ngày mai tươi sáng, lịch sử sang trang bắt đầu công cuộc xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn.
39 năm qua, khoảng thời gian không dài so với hành trình của một dân tộc, nhưng là cả một trường đồ để hình thành và thực thi những chính sách vì sự phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân. Đảng ta đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng dân tộc thành công, hoạch định và triển khai đường lối đổi mới, bước đầu thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cải cách dân sinh mang lại hiệu quả rõ rệt.
Chúng ta cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thiết kế một số mục tiêu tuy ưu việt, nhưng thiếu tính hiện thực, khó đạt được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả cạnh tranh, chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý; những tồn tại trong phát triển hạ tầng, giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; suy thoái đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu tham nhũng tiếp tục hoành hành; hệ thống chính trị chưa được kiện toàn để tăng cường sức chiến đấu trong tình hình mới.
Ông Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà lưu niệm cho bà Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ảnh: Trọng Tấn |
Bên cạnh đó, các giải pháp hành xử đôi khi quá cứng nhắc, không phù hợp, gây ra những bức xúc và hệ lụy lâu dài cho chặng đường phát triển sắp tới; trong đó đánh giá sâu sắc nhất là việc áp dụng cơ chế tập trung bao cấp nhiều năm liền sau ngày nước nhà hoàn toàn giải phóng đã làm triệt tiêu tính năng động của các thành tố trong xã hội; phong trào tập thể hóa một cách máy móc trong sản xuất nông nghiệp làm người nông dân xa rời luống cày của họ; kinh tế quốc doanh chưa thật sự giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, thậm chí một số lĩnh vực còn gây thất thoát lớn tài sản xã hội chủ nghĩa. Gần đây, một số chính sách được ban hành, nhưng chưa phù hợp thực tiễn…
Bệnh trạng đã được chẩn đoán, các liều thuốc đặc trị đã được liệt kê trong từng kế hoạch trước mắt cũng như chiến lược dài hạn. Nhưng niềm tin đối với người bệnh lắm lúc còn quan trọng hơn cả đơn dược, làm hồi phục khối óc, con tim và ý chí vươn lên sau chuỗi ngày trầm lắng.
Do vậy, để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững như lòng mong mỏi, kỳ vọng của Bác Hồ và cả dân tộc, có rất nhiều việc chúng ta phải dốc cả tâm huyết, trí tuệ và bản lĩnh để thực hiện. Theo đó, nên có những nhận thức đi vào chiều sâu của hệ thống giải pháp đồng bộ và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Thứ nhất, phải tập trung kiện toàn hệ thống học thuyết chính trị, hiện đang đứng yên trước sự chuyển động của xã hội; bổ sung những vấn đề mới để hoàn thiện tư duy lý luận, nhằm tăng cường niềm tin và xây dựng những định hướng lớn cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Hiện nay, xu thế phân hóa giàu, nghèo, chuyển hóa thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và tiến hóa nhanh chóng của công nghệ, tri thức nhân loại đã dẫn đến sự giao thoa của các giai cấp, nhiều hộ nông dân, kể cả công nhân (qua cổ phần hóa) ngày nay trở nên giàu có, được trang bị kỹ thuật tiên tiến. Ngược lại, một bộ phận trí thức không theo kịp trào lưu kinh tế thị trường diễn biến phức tạp. Một xã hội đang vận hành với thực trạng phân tầng tác động đến các giai cấp, cần phải được đánh giá đúng mức để có các chính sách phát triển xã hội hợp lý.
Kinh tế thị trường vốn bị chi phối bởi những quy luật khách quan; mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa tỏ ra đúng đắn, nhất là sau các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế trầm trọng vừa qua. Công việc khó khăn hơn hết là kiến trúc những quy định, lộ trình và giải pháp cho phù hợp.
Thứ hai, cần sớm kiện toàn một số khâu còn gây ách tắc trong hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là cấu trúc bộ máy quản lý kinh tế - xã hội. Khái niệm chuyên chính vô sản ở nước ta đang tiệm cận dần định chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi quyền lực về tay nhân dân; tất cả mọi hành xử đều phải tuân theo ý nguyện của toàn dân và được xử lý một cách nhất quán trên nền tảng pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các mối quan hệ chồng lấn trong ban hành văn bản pháp quy của khối cơ quan hành pháp và lập pháp, trong giải quyết tranh chấp khiếu nại giữa khối cơ quan hành pháp và tư pháp sẽ gây ra những hệ lụy khó lường trong tổ chức lãnh đạo, điều hành đất nước. Lấp cạn vùng trũng này tưởng chừng như đơn giản, nhưng đã kéo dài trong suốt nhiều thập niên qua.
Thứ ba, cần điều chỉnh cơ chế quản lý xã hội, một chủ trương được đưa lên hàng đầu trong công cuộc cải cách hiện nay. Phương thức làm chủ tập thể đang nâng dần thành hình thái dân chủ xã hội; dân chủ được thể chế hóa bằng pháp luật và được thể hiện thông qua hoạt động của hệ thống chính trị, đây luôn là một xu hướng tiến bộ và khách quan của xã hội đương đại.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc tưới cây sanh do ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tặng Khu di tích Nam kỳ Khởi nghĩa - Đình Long Hưng. Ảnh: Trọng Tấn |
Kiến tạo một hệ thống cơ chế minh bạch không những tạo được những hiệu ứng kinh tế thiết thực mà còn tác động đến lĩnh vực văn hóa và đạo đức. Hạn chế dùng chứng từ để đánh giá vật lực và nhân lực hao phí, vốn dĩ phải được lượng định qua sản phẩm và hiệu quả cụ thể.
Một cơ chế quản lý có tính dân chủ là tất yếu, nhưng thiếu tập trung sẽ làm triệt tiêu sự năng động trong điều hành kinh tế - xã hội, làm mất đi vai trò sáng tạo của cá nhân trong chỉ đạo, tác nghiệp, dẫn đến một xã hội dĩ hòa vi quý và mang dáng dấp đoàn kết hình thức là chủ yếu.
Thứ tư là vấn đề cán bộ, được thảo luận rất nhiều từ ngày thành lập Đảng đến nay, hiện không những có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống mà có cả tư tưởng chính trị, làm mất niềm tin trong nhân dân, đây là nguy cơ trầm trọng nhất của những nguy cơ.
Chúng ta đã xác định những bài học và giải pháp từng nghiên cứu trong kinh điển và cả thực tiễn, nhằm nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý và năng lực hội nhập cho đội ngũ cán bộ. Cũng cần hình thành những giáo trình hướng dẫn về nghệ thuật lãnh đạo, kỹ thuật quản lý song song với đạo đức làm người theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Suy cho cùng, mọi nhân cách con người đều xuất phát từ nền văn hóa dân tộc, mục tiêu giáo dục và các thiết chế quản lý. Tất nhiên không lấy một thiểu số tiêu cực để đổ lỗi cho nền văn hóa xã hội. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có biện pháp tối ưu để dẫn dắt, giáo dục cho các hoạt động ứng xử, giao tiếp giữa mọi người với nhau; giữa cán bộ cấp dưới và cán bộ cấp trên; giữa những thành viên trong gia đình và xã hội theo phong cách trung thực, không vị nể, bao che, tự trọng, đỉnh đạc và nhân bản.
Hiện tượng thoái trào về tính chủ động, tiến công trong xử lý, giải quyết công vụ cũng như thường xuyên tiếp cận, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đáng được báo động. Nên sớm có cơ chế thưởng phạt, quy chế làm việc và kiểm tra cụ thể vấn đề này.
30 tháng 4, mỗi lần đến thời khắc này, lòng chúng ta bỗng trỗi dậy những khí thế hào hùng, cùng những băn khoăn trên bước đường dặm ngàn thiên lý. Đường đến tương lai tươi sáng cho một dân tộc chắc hẳn còn nhiều khúc quanh, hòn đá tảng trong suốt cuộc hành trình; vấn đề là nỗi thấm thía, tiếp thu và áp dụng những bài học đầu đời, cần thiết. Nhân dân ta vốn có truyền thống, bản lĩnh để thực hiện thành công hoài bão của mình, có đầy đủ cảm xúc để tận hưởng những ngày 30 tháng 4 đầy phấn khởi, tự hào!
TTN