Chiến thắng Điện Biên Phủ - 60 năm nhìn lại
Hàng năm, cứ đến ngày 7-5 là chúng ta lại tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó, càng tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, bởi trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Điện Biên Phủ được ví như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX; là một chiến dịch điển hình của quân và dân ta đã đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Vì vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang; là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo cơ sở, nền tảng và điều kiện vững chắc để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng họp cuối năm 1953 tại Việt Bắc, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
60 năm đã trôi qua, nhưng bài học về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, có tính thời đại sâu sắc, mang ý nghĩa và giá trị to lớn để thế hệ tương lai tiếp tục kế thừa. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam; đồng thời cũng là một thắng lợi vẻ vang của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
Điều đó chứng minh rằng, yếu tố quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và đặc biệt là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị chỉ huy thiên tài đã đề ra đường lối quân sự đúng đắn, phương pháp cách mạng khoa học, biết tạo thời cơ và tận dụng thời cơ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Bác Hồ giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh mặt trận. Trước khi ra trận, Bác nói: “Bác giao cho chú toàn quyền, tướng quân tại ngoại, trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.
Ghi sâu lời dặn của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định táo bạo, chuyển phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” dần tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”. Mặc dù đã đưa pháo vào trận địa, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn quyết định đưa pháo ra, tạm ngừng cuộc tiến công. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình.
Trong hồi ký của tướng Navarre đã khẳng định:“Nếu Tướng Giáp tiến công vào ngày 25-1 như ý đồ ban đầu, thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông tạm ngưng tiến công”. Vì vậy, việc thay đổi phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”, sang “đánh chắc tiến chắc” là một nghệ thuật quân sự thiên tài, một di sản chiến lược còn nguyên giá trị.
Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngoại trưởng Pháp khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt tới đỉnh cao vinh quang với tư cách là một nhà chỉ huy quân sự, bằng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Đông Dương và sự đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Tiếp đến, năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa thực hiện thành công chiến thắng lịch sử trước đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước Việt Nam”.
Nhìn lại chiến thắng Điện Biên Phủ để thấy rằng, ta đã huy động được sức mạnh của toàn quân và toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên chúng ta đã tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực mạnh vào một trận đánh với ý chí “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”; với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng đã tô thắm thêm lá cờ Quyết chiến quyết thắng phấp phới bay trên nóc hầm tướng De Castries như: Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo... Hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho mặt trận xa hậu phương 500 km trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, thiếu thốn, địch đánh phá ác liệt. Để sau này với phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” ta huy động cả nước ra trận, hoàn thành mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: “Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi”. Phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã đem tinh thần, ý chí “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với ý chí và tinh thần đó, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không và làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện đúng Di chúc của Bác Hồ kính yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG