Thứ Hai, 19/05/2014, 10:50 (GMT+7)
.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim những người tù Côn Đảo

Trong chuyến hành trình tham quan Côn Đảo, biết chúng tôi đến từ Tiền Giang, Nhân - quê ở xã Bình Đức, TP. Mỹ Tho, hướng dẫn viên Khu di tích Côn Đảo vui mừng như “gặp người thân ở xa mới về”, đã nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham quan Bảo tàng Côn Đảo, trại tù Phú Sơn, trại tù Phú Hải, biệt giam Chuồng Cọp, Nghĩa trang Hàng Dương, Cầu Tàu 914…

Trong suốt quá trình tham quan, tìm hiểu, chúng tôi vô cùng xúc động trước những tấm gương đấu tranh kiên cường, bất khuất, không sợ gian khổ, hy sinh trong “địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng qua 2 thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn An Ninh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Linh, Trần Huy Liệu, Võ Thị Sáu và hàng vạn chiến sĩ cách mạng khác; trong đó có những người con ưu tú của quê hương Tiền Giang.

Vừa hướng dẫn tham quan, Nhân vừa đặt câu hỏi rồi tự trả lời, khiến chúng tôi càng thú vị và cảm kích trước sự tin tưởng mãnh liệt vào niềm tin tất thắng của các chiến sĩ cộng sản đã không ngừng đấu tranh và xả thân cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, vì họ tin vào chính nghĩa, tin vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu…

Ngoài việc hướng dẫn, thuyết minh chung về sự hình thành nhà tù và các sự kiện, chuyện kể tiêu biểu của các di tích, các nhân vật, Nhân còn thuyết minh thêm một số câu chuyện về những tấm gương sáng của các chiến sĩ cách mạng quê hương Tiền Giang đã từng bị tù đày và tặng cho chúng tôi cuốn Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1862 - 1975), do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội phát hành năm 2010.

Theo lời kể của Nhân và tài liệu trong sách, có rất nhiều sự kiện tiêu biểu, trong đó có 1 sự kiện nổi bật về ý chí kiên cường đấu tranh, không sợ hy sinh, quyết không chùn bước trước sự đàn áp, đánh đập dã man của kẻ thù và phải trả giá bằng máu, mạng sống cho lập trường chống ly khai của các chiến sĩ cách mạng.

Ngày 11-3-1961, Tỉnh trưởng Lê Văn Hưởng ký sự Vụ lệnh 042/CS/VP/SVL thanh toán 18 can phạm chống ly khai ở Chuồng Cọp. Sau 2 tuần chúng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ tù nhân không kết quả, bọn cải huấn bắt từng người viết bản xác nhận lập trường, cam kết chịu trách hiệm về việc không ly khai cộng sản để chuyển giao cho công an, trật tự thanh toán.

Trong 17 chiến sĩ kiên cường còn trụ lại đã viết bản xác định lập trường. Bất chấp sự nguy hiểm đối với tính mạng, quyết không ly khai, mỗi đồng chí đều viết bản cam kết, ai cũng khẳng định lập trường quyết không ly khai Đảng và Bác Hồ. Đồng chí Phạm Thành Trung, quê làng Mỹ Thuận, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) xác nhận lập trường: “Tôi không thể ly khai Bác và Đảng Cộng sản được….”.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười (Hoàng Sơn), quê huyện Cai Lậy, được giác ngộ cách mạng đi theo kháng chiến, đánh giặc rất gan dạ, làm Tiểu đoàn trưởng bộ đội Hoàng Thọ. Đặc biệt, trên ngực đồng chí xăm dòng chữ “Suốt đời trung thành với Hồ Chủ tịch” và đồng chí đã viết không ly khai Đảng, Bác Hồ. Bọn gác ngục điên cuồng đánh đập đồng chí nhiều lần rất dã man, đồng chí đã thẳng thắn trả lời: “Chúng mày có lột da, xẻo thịt, róc xương thì tao cũng không từ bỏ lãnh tụ, tao cũng không ngừng chiến đấu”.

Trong trận đòn chí tử đêm 27-3-1961, đồng chí luôn miệng hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm!” cho đến khi trút hơi thở cuối cùng cùng nhiều đồng chí khác: Đồng chí Cao Văn Ngọc (Bà Rịa), Phạm Thành Trung (Mỹ Tho), Ngô Đến (Khánh Hòa), Hoàng Chất (Hà Nội), Nguyễn Công Tộc (Bạc Liêu)…

Đến nay, khi nhắc về Côn Đảo, về sự kiện chống ly khai của những người tù Côn Đảo trong câu chuyện hôm nào, mỗi chúng tôi vô cùng xúc động, khâm phục về những tấm gương anh dũng của các chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Côn Đảo nói riêng và của thế hệ tiền bối cách mạng nói chung đã không ngại gian khổ, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.