ĐBQH Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT
Quốc hội vừa tiến hành thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, ông Huỳnh Văn Tính, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đề nghị bổ sung một số nội dung như sau:
Một là, về quy định BHYT bắt buộc: Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định người dân có trách nhiệm tham gia BHYT và quy định lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, nhưng chủ yếu thông qua vận động và chưa đủ cơ chế pháp lý để người dân tham gia BHYT bắt buộc.
Việc sửa đổi Luật BHYT cần có quy định rõ về việc bắt buộc tham gia BHYT, vì bản chất của BHYT hiện nay là loại BHYT xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, mang lại lợi ích thiết thực về sức khỏe cho mọi người dân và bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng.
Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để thực hiện BHYT toàn dân thì phải theo cơ chế bắt buộc; đồng thời xem xét để quy định cụ thể chế tài đối với những cơ quan, tổ chức không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc triển khai BHYT cho người lao động thuộc cơ quan, tổ chức của mình.
Hai là, quy định về tham gia BHYT theo hộ gia đình: Nhất trí quy định cụ thể hình thức BHYT bắt buộc theo hộ gia đình và giảm mức đóng đối với người thứ hai trở đi như dự thảo luật quy định. Việc chú trọng thực hiện BHYT theo hộ gia đình sẽ khắc phục được tình trạng chỉ có người bệnh tham gia BHYT, góp phần bảo đảm cân đối Quỹ BHYT.
Ba là, về phân bổ sử dụng Quỹ BHYT: Tán thành quy định Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trong cả nước và quy định dành 90% Quỹ BHYT cho khám, chữa bệnh BHYT, 10% còn lại để chi quỹ dự phòng và công tác quản lý, tuyên truyền, mở rộng diện bao phủ BHYT; trong đó dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng.
Tuy nhiên, cần tính tới việc phân cấp quản lý trong số 90% Quỹ BHYT cho khám, chữa bệnh BHYT cho bảo hiểm xã hội của tỉnh, thành phố để giúp các địa phương chủ động hơn trong việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT.
Bốn là, về xử lý kết dư bội chi Quỹ BHYT: Nhất trí quy định các tỉnh, thành phố có số thu BHYT dành cho khám, chữa bệnh nhỏ hơn số chi khám, chữa bệnh trong năm thì UBND tỉnh có trách nhiệm bổ sung 20% số bội chi từ nguồn ngân sách địa phương như Khoản 4, Điều 35 của dự thảo luật để tăng cường việc chỉ đạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Song đề nghị xem xét lại quy định các tỉnh, thành phố có số thu BHYT dành cho khám, chữa bệnh lớn hơn số chi khám, chữa bệnh trong năm thì phần kinh phí chưa chi hết được hạch toán toàn bộ vào Quỹ dự phòng BHYT để điều tiết chung như Khoản 3, Điều 35 của dự thảo luật.
Cần trích một phần kinh phí kết dư lại cho địa phương có kết dư để bảo đảm thống nhất với quy định rằng các tỉnh bị bội chi có trách nhiệm bổ sung 20% số bội chi từ nguồn ngân sách của địa phương.
Năm là, về thanh toán đối với trường hợp khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến: Nhất trí quy định Quỹ BHYT thanh toán cho cả những trường hợp khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến đối với cả nội trú và ngoại trú với mức thanh toán như nhau là 20% - 50% - 70% như Khoản 3, Điều 22 của dự thảo luật quy định.
Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định khái niệm về khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến và quy định về những trường hợp khám, chữa bệnh BHYT ở các địa bàn giáp ranh mà không bị coi là khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến hoặc là những trường hợp đặc thù thì cũng nên có những quy định phù hợp.
Ví dụ, tiếp viên hàng không thì không thể cố định được, mà có thể khám ở bất cứ cơ sở y tế nào phù hợp cho đối tượng đặc thù này và nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định những đối tượng đặc thù để đảm bảo hợp lý.
Sáu là, về một số vấn đề khác, đề nghị xem xét thêm quy định trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 31-8 của năm đó như Khoản 3, Điều 16 dự thảo luật. Nếu quy định như vậy, cần tính đến việc xác định rõ nguồn tiền đóng BHYT cho các đối tượng này hay được miễn phí đóng BHYT.
Bổ sung cơ chế, chính sách khắc phục tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội và Sở Y tế các tỉnh thực hiện phân bổ thẻ khám, chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện mà chưa thực hiện đúng quy định người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám, chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện cấp huyện nào trong cả nước.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)