ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng: Góp ý dự thảo Luật Đầu tư công
Ngày 24-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công. Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến thảo luận tập trung vào các nội dung như sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Khoản 1, Điều 4, đề nghị bổ sung cụm từ "quốc phòng và an ninh" vào nội dung quy định tại khoản này, bởi việc đầu tư cho các công trình, lĩnh vực quốc phòng và an ninh cũng thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Mặt khác, bổ sung cụm từ này để thể hiện rõ hơn lĩnh vực đầu tư công để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, Khoản 1 viết lại như sau: "Đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đầu tư vào các chương trình dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Thứ hai, về tiêu chí phân loại dự án đầu tư nhóm A. Tại Khoản 1, Điều 8 quy định: Dự án không phân biệt tổng mức đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ quốc phòng, an ninh có tính chất quốc gia, sản xuất chất độc hại, chất nổ, hạ tầng khu công nghiệp, trừ các dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư nhóm A.
Dự án này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 17 và sẽ do Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 38 sau khi đã được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Nội dung quy định này có khác so với Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu đối với những dự án trong khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh.
Việc phân cấp và xác định lại thẩm quyền này cho như thế là phù hợp, tuy nhiên trên thực tế sẽ khó thực hiện được; bởi lẽ, nội dung quy định của dự án này là không phân biệt tổng mức đầu tư và khó thực hiện ở chỗ đầu tư trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh, đặc biệt quan trọng đối với quốc gia.
Ngoài ra, dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể để xác định thế nào là địa bàn quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng đối với quốc gia. Nghị quyết 49 của Quốc hội năm 2010 đã giao cho Chính phủ quy định tiêu chí này sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng do vấn đề rất phức tạp, cho nên đến nay chưa quy định được. Đề nghị bổ sung vào khoản này quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chí để các bộ, ngành, địa phương dễ thực hiện, như vậy bảo đảm tính khả thi.
Thứ ba, điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư, phân loại các dự án quy định tại Điều 11. Tôi nhất trí quy định trong dự thảo luật là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, tuy nhiên cũng cần phải làm rõ tiêu chí khi nào thì phải điều chỉnh; do vậy, đề nghị nên quy định trong trường hợp chỉ số lạm phát tăng 20% trở lên thì Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tiêu chí và Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Thứ tư, về nguyên tắc quản lý đầu tư công quy định tại Điều 12. Tại Khoản 4, Điều 12 đã quy định nguyên tắc quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn bảo đảm đầu tư công tập trung đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực tránh thất thoát, lãng phí. Đề nghị thay cụm từ "tránh thất thoát lãng phí" bằng cụm từ "không để thất thoát" để chúng ta thể hiện rõ thái độ đối với vấn đề đầu tư công và để nguyên tắc này có tính khẳng định hơn nữa thì không nên dùng từ "tránh" thay vào đó quy định là "không để thất thoát lãng phí".
Thứ năm, về căn cứ lập thẩm định phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công quy định tại Điều 39. Tán thành với 6 căn cứ được quy định tại điều này. Tuy nhiên, để thực hiện nguyên tắc thứ 5 quy định tại Điều 12 và để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công và tạo điều kiện cho công tác giám sát, đề nghị bổ sung một căn cứ nữa là phải có ý kiến đồng thuận của nhân dân của vùng dự án hoặc phải có báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức của người dân về các dự án.
Đối với dự án này coi đó là một trong những căn cứ lập thẩm định phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công nhằm bảo đảm tính khả thi không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện về sau. Đối với các chương trình, dự án mật không áp dụng nội dung này.
Thứ sáu, nhiệm vụ quyền hạn của kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 92, đề nghị không quy định chi tiết cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của kiểm toán nhà nước trong dự án luật này mà chỉ cần quy định mang tính nguyên tắc chung tức là thực hiện theo Luật kiểm toán nhà nước. Vì nếu quy định cụ thể chi tiết thì sẽ có thể không đầy đủ nội dung và sẽ gây ra vướng mắc và khó khăn phức tạp trong thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.
Thứ bảy, về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật xây dựng trình Quốc hội hiện có một số quy định liên quan đến việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước (như quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 51 là yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng, Khoản 2, Điều 52 lập dự án đầu tư xây dựng, Khoản 2, Điều 57 về thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng, Điểm a, Khoản 5, Điều 57 cũng quy định như vậy và Khoản 1, Điều 60 quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng; do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có rà soát để bảo đảm tính thống nhất, chỉ quy định trong dự thảo Luật này, còn đối với Luật xây dựng nếu có quy định liên quan thì dẫn chiếu sang Luật đầu tư công là hợp lý.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)