Quan tâm, sẽ thảo luận một số lĩnh vực nêu trong Báo cáo Chính phủ
Tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XIII, Chính phủ Báo cáo Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014. Phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh một số nội dung mà ông quan tâm và sẽ tham gia thảo luận tại kỳ họp này.
* PV: Tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Ông có ý kiến và đề xuất gì để góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân?
* Ông Nguyễn Văn Danh: Hiện nay, thu nhập và đời sống của nông dân tuy có khá hơn nhưng vẫn còn thấp và luôn bị thiệt thòi, chịu nhiều rủi ro; nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ cho sản xuất nông nghiệp chưa thiết thực, hiệu quả chưa cao và chậm đi vào cuộc sống. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm có những giải pháp thiết thực, quyết liệt, phù hợp hơn để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Phải đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá tác động trực tiếp của các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân gắn với tìm kiếm thị trường để đảm bảo đầu ra cho các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho người trồng lúa; có giải pháp ứng phó kịp thời về kinh tế với diễn biến tình hình trên Biển Đông; đồng thời cần nghiên cứu lập Quỹ bình ổn giá nông sản, Quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân - đây là những kiến nghị, mong muốn chính đáng của cử tri và nông dân.
Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm nghiên cứu sửa đổi và ban hành các cơ chế nhằm huy động sự tham gia của xã hội và các doanh nghiệp góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là việc phát triển văn hóa, cải thiện môi trường, đầu tư thay đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, giúp nông dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và làm giàu chính đáng.
* PV: Tại phiên thảo luận ở tổ, ý kiến của ông cho rằng Báo cáo của Chính phủ đánh giá về công tác dạy nghề là không thực tế. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này.
* Ông Nguyễn Văn Danh: Trong Báo cáo của Chính phủ có đánh giá về công tác dạy nghề “Chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở một số địa phương, cơ sở dạy nghề còn hạn chế…”. Tôi chưa đồng tình với đánh giá này, vì thực tế chất lượng và hiệu quả dạy nghề của ta đã, đang yếu kém ở nhiều địa phương, cơ sở và gây lãng phí rất lớn, chứ không phải chỉ hạn chế ở một số địa phương, cơ sở như Báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Mặt khác, Báo cáo của Chính phủ chưa nêu được nguyên nhân vì sao có tình trạng yếu kém kéo dài này và bắt nguồn từ đâu: Từ chính sách phân luồng học sinh chậm; hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề mở ra quá nhiều nhưng chưa gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động; do tâm lý xã hội chưa muốn tham gia học nghề; do cơ chế, sự chậm phối hợp của 2 ngành Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc sáp nhập một số trường, trung tâm dạy nghề… hay còn nguyên nhân nào khác, cần phải được làm rõ để có giải pháp tốt nhất nâng chất lượng dạy nghề theo hướng vừa tăng cường đào tạo nghề có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, của những vùng kinh tế trọng điểm, vừa gắn với các làng nghề, vùng chuyên canh và các doanh nghiệp, tận dụng được nhân lực nông nhàn và nguyên liệu sẵn có của địa phương.
* PV: Báo cáo của Chính phủ đã nêu: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các ngành và các cấp chưa hợp lý; hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả chưa cao. Xin ông cho biết ý kiến của ông về nhận định này?
* Ông Nguyễn Văn Danh: Tôi tin tưởng vào quyết tâm và giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, một số vụ tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao như: Vụ Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; vụ Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây nguyên; vụ Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; vụ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại Ngân hàng ACB…
Tuy nhiên, tôi thấy công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn chưa nghiêm, vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí còn hình thức, nhất là trong kê khai tài sản; việc phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán còn hạn chế và tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp.
Dư luận cho rằng, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực; tình trạng “tham nhũng vặt”, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn “lót tay” để được việc đang là vấn đề bức xúc; việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.
Dư luận về thực trạng trên, không thể nói là không có, còn phạm vi, mức độ, hậu quả và nó xảy ra nhiều ở đâu, ở lĩnh vực nào? - câu trả lời đó thuộc về trách nhiệm của các cơ quan, ngành chức năng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhưng đó là những vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận, xem xét xử lý một cách nghiêm túc hơn, kiên quyết hơn của các cơ quan, ngành chức năng đã được Đảng và Nhà nước giao.
Bên cạnh đó, nạn lãng phí đang đồng hành với tham nhũng nhưng ít được đề cập đến; trong một số trường hợp thì mức độ, hậu quả của việc lãng phí còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng. Lãng phí có thể xảy ra ở mọi cấp, mọi nơi, mọi đối tượng cán bộ, có cả lãng phí về thời gian, công việc, trong chi tiêu, trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản…
Vì vậy, khi báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất thiết phải gắn liền với việc đánh giá về công tác phòng, chống lãng phí cùng với những biện pháp nghiêm minh trong xử lý.
* PV: Về lĩnh vực y tế và giáo dục của nước ta hiện nay, ông quan tâm đến những vấn đề gì?
* Ông Nguyễn Văn Danh: Về y tế, trong thời gian qua, nhiều dịch, bệnh xảy ra liên quan đến công tác y tế dự phòng như dịch bệnh sởi, bệnh tay - chân - miệng, bệnh sốt xuất huyết… Cử tri cho rằng, đây là những bệnh có thể phòng ngừa được nếu làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động các nguồn lực phòng bệnh. Việc tiêm vắc-xin gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em khiến dư luận bức xúc. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải đánh giá và nghiêm túc trong xử lý để không xảy ra những trường hợp đau lòng tương tự.
Về Giáo dục và Đào tạo, cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về việc thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa và về thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học chưa có việc làm hoặc làm việc không đúng với ngành nghề được đào tạo, gây lãng phí rất lớn đến nguồn lực của gia đình và xã hội. Vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải trình, làm rõ để sớm giải tỏa sự băn khoăn, lo lắng của cử tri và nhân dân.
Tôi sẽ thực hiện việc chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ hơn về thực trạng và giải pháp sắp tới đối với 2 vấn đề đã nêu; chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho nông dân, đặc biệt là người trồng lúa.
* PV: Xin cảm ơn ông!
ĐĂNG HIẾU (thực hiện)