Góp ý Dự án Luật SĐ, BS một số điều của Luật GTĐT nội địa
Ngày 21-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang nêu cụ thể về các vấn đề như sau:
Một là, về áp dụng pháp luật đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và trên vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải:
Thống nhất với quy định của dự án luật theo hướng áp dụng các quy định có liên quan của luật đối với các hoạt động giao thông thủy nội địa diễn ra ngoài phạm vi luồng và trên các vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.
Vì xuất phát từ điều kiện tự nhiên của nước ta với hệ thống sông ngòi đa dạng, chằng chịt, phạm vi vùng nước phụ thuộc vào thủy triều lên, xuống. Do đó, hoạt động giao thông đường thủy nội địa cũng thay đổi theo, nếu chỉ tính phạm vi điều chỉnh trong luồng thì các phương tiện hoạt động ở phạm vi ngoài luồng chưa được đưa vào phạm vi điều chỉnh.
Do vậy, việc bổ sung quy định áp dụng pháp luật đối với các hoạt động của phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện về nguyên tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện vận tải đường thủy nội địa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đường thủy nội địa trên các vùng nước từ mép luồng vào mép bờ tự nhiên và trên các sông, kinh, rạch chưa được tổ chức quản lý khai thác giao thông vận tải là cần thiết, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý khai thác và phát triển giao thông đường thủy nội địa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, Khoản 16, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 55, dự án luật quy định: Ban đêm thắp 2 đèn đỏ đặt ở vị trí cao nhất của phương tiện, nếu còn di chuyển theo quán tính thì phương tiện loại A phải thắp thêm đèn mạng…
Đề nghị bổ sung vào sau cụm từ "đèn đỏ" cụm từ "phải theo chiều thẳng đứng" và thay thế cụm từ "di chuyển theo quán tính" bằng từ "trớn" cho phù hợp với Điều 17 - Thông tư 19 ngày 6-8-2013 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định việc áp dụng quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm, va tàu thuyền trên biển đang thực hiện trên thực tế.
Như vậy, Khoản 16, Điều 1 được thể hiện lại như sau: Ban đêm thắp 2 đèn đỏ theo chiều thẳng đứng đặt ở vị trí cao nhất của phương tiện, nếu còn trớn thì phương tiện loại A phải thắp thêm đèn mạng và đèn chắn lái. Phương tiện loại B phải thắp thêm đèn nửa xanh, nửa đỏ.
Ba là, Khoản 18, Điều 1, sửa đổi, bổ sung Khoản 5, Điều 77: Dự án luật quy định chủ phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa quy định tại Khoản 1, Điều 24 và chủ kinh doanh phương tiện vận tải khách có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với người thứ ba theo quy định của luật về bảo hiểm. Đề nghị bổ sung vào cuối quy định Khoản 1, Điều 24 cụm từ "của luật này" để quy định được đầy đủ và chặt chẽ hơn.
Bốn là, Khoản 19, Điều 1, bổ sung Điều 98a vào sau Điều 98 về thuê phương tiện, đề nghị dự án luật cần lưu ý đến 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 98 a, dự án luật quy định không được sử dụng phương tiện thuê làm tài sản thế chấp hoặc cho người khác thuê lại phương tiện thì ghi trên phương tiện thuê trừ trường hợp chủ phương tiện đồng ý, đề nghị bổ sung vào cuối quy định này cụm từ "và được thể hiện trong hợp đồng", nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu phương tiện và người thuê phương tiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu chỉ quy định chủ phương tiện đồng ý nhưng không quy định rõ đồng ý như thế nào thì khi xảy ra tranh chấp sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Thứ hai, tại Điểm d, Điều 98a, dự án luật quy định: Giao lại phương tiện, thuyền viên cho chủ phương tiện sau khi hết hạn hợp đồng. Phương tiện, thuyền viên khi giao lại cho chủ phương tiện phải đảm bảo trạng thái an toàn nguyên trạng, trừ phương tiện có khấu hao tự nhiên, đề nghị xem lại quy định này vì thuyền viên là con người không phải là tài sản, nên không thể quy định chung giống như tài sản là trạng thái an toàn, nguyên trạng cho thuyền viên.
Năm là, Khoản 2, Điều 1, Điều 98 d về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có tai nạn, sự cố xảy ra trên đường thủy nội địa. Tại Khoản 4, Điều 98 dự án luật, đề nghị bổ sung cụm từ "hỏa táng" vào cụm sau từ chôn cất nhằm tạo điều kiện cho những địa phương không có quỹ đất để chôn cất được hỏa táng người chết và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Như vậy, Khoản 4, Điều 98 được thể hiện lại như sau: "UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn. Trong trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất hoặc hỏa táng thì sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất hoặc hỏa táng, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất hoặc hỏa táng".
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)