Thứ Tư, 14/05/2014, 10:47 (GMT+7)
.

"Tiếp lửa" cho đảng viên trẻ

Những năm gần đây, thực hiện kiểm điểm hàng năm, nhất là từ khi thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), trong nhiều tổ chức cơ sở đảng, có không ít đảng viên, nhất là đảng viên trẻ thường tự nhận xét “thiếu mạnh dạn tự phê bình và phê bình”. Đây là một thực tế cần lưu ý trong công tác xây dựng Đảng.

Theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua là do một bộ phận đảng viên, nhất là đảng viên trẻ thiếu kiên trì tu dưỡng, rèn luyện, chủ yếu là do chưa thật sự vững vàng về bản lĩnh chính trị trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Bài học từ những cơ quan, đơn vị có đảng viên sai phạm phải xử lý cho thấy, trong sinh hoạt Đảng, không ít đảng viên có biểu hiện né tránh việc thực hiện đúng nguyên tắc này với đầy đủ yêu cầu của nó, đã không mạnh dạn tự nêu những hạn chế, khiếm khuyết của bản thân hoặc không thật thà tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác, của tập thể.

Họ giấu giếm và tìm mọi cách để bao che, biện minh cho khuyết điểm của bản thân. Do vậy, họ cũng không thể tìm ra và nghiêm túc thực hiện những biện pháp tối ưu để sửa chữa, khắc phục thiếu sót của bản thân.

Mặt khác, cũng cần nói đến hạn chế của tập thể, cơ quan, đơn vị của người có thiếu sót, khuyết điểm, nhất là đối với người có thiếu sót, khuyết điểm là đảng viên có chức, có quyền. Có thể vì nể nang hoặc do nhiều lý do tế nhị khác mà những người có trách nhiệm trong tập thể đã không dám hoặc chưa mạnh dạn nêu và phê bình những đảng viên có chức, có quyền đã và đang có khuyết điểm; thậm chí có sai lầm trong công tác và trong cuộc sống. Điều này cũng đã làm ảnh hưởng đến động lực phấn đấu của đảng viên trẻ.

Thực tế trong những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên ở một số cơ sở đảng ít quan tâm đến việc rèn luyện bản lĩnh chính trị của các đối tượng đảng, nhất là năng lực phát hiện và đấu tranh bảo vệ cái mới, cái đúng, chống cái lạc hậu, cái sai trái. Từ đó, không ít đảng viên được phân công giúp đỡ chỉ yêu cầu đối tượng phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Năng lực phát hiện và đấu tranh bảo vệ cái mới, cái đúng, chống cái lạc hậu, sai trái bị coi là thứ yếu và ít được quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ, tạo điều kiện để đối tượng thể hiện trong công tác cũng như trong sinh hoạt. Rõ ràng đây là nhận thức và hành động không đúng, không phù hợp với vai trò lãnh đạo của người đảng viên, nhất là đối với những đảng viên trẻ.

Trong thực tế, trong các buổi họp chi bộ, không ít đảng viên ít phát biểu, nhất là phát biểu ý kiến đóng góp cho thủ trưởng cơ quan, cho cấp ủy, sợ rằng sẽ gây thiệt hại đến mối quan hệ và lợi ích của bản thân. Hiện tượng này đã góp phần làm cho đảng viên trẻ e dè, muốn phê bình nhưng sợ bị ảnh hưởng nên không dám phê bình.

Bản lĩnh chính trị của đảng viên trẻ không thể tự nhiên mà có, mà nó chính là kết quả của việc bồi dưỡng và rèn luyện theo tinh thần “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đây là một quá trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ, liên tục và cũng hết sức khó khăn mà hình thành, củng cố và phát triển. Phải qua phong trào thực tiễn, đảng viên trẻ sẽ tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, có “lửa” trong góp ý, đấu tranh xây dựng nội bộ…

Qua đó từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực, mạnh dạn trong xây dựng nội bộ và trưởng thành. Tất nhiên, để đạt được yêu cầu đó, bên cạnh việc tạo ra và không ngừng hoàn thiện bầu không khí dân chủ trong sinh hoạt Đảng thì đội ngũ đảng viên lâu năm, đảng viên đang giữ những trọng trách trong cơ quan, đơn vị phải “tiếp lửa” cho đội ngũ đảng viên trẻ, tạo điều kiện, động viên và thật sự gương mẫu để đảng viên trẻ thể hiện và thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

NGUYỄN QUỐC DŨNG

.
.
.