Thứ Sáu, 06/06/2014, 08:27 (GMT+7)
.

Các ĐBQH Đoàn TG: Góp ý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Vừa qua, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã tham gia góp ý.

Quan tâm đến một số vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng: Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 53), nhiều ý kiến đang băn khoăn về phương án nâng tuổi nghỉ hưu, đó là một thực tế. Về vấn đề chung, đại biểu Nguyễn Văn Danh đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) để tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội, nhưng cần phải theo quan điểm mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo dự thảo Luật, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam; từ năm 2020 trở đi, áp dụng tương tự cho các đối tượng còn lại (trừ nhóm lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu).

Theo phương án này thì phải đến 2031 (sau 15 năm) tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi. Nếu đặt vấn đề áp lực buộc Chính phủ phải đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH do tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên (khoảng 73 tuổi) thì cũng chưa thuyết phục và việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp duy nhất.

Hiện nay ta có hơn 16 triệu lao động đang làm việc phải tham gia đầy đủ BHXH, nhưng việc thu tiền đóng BHXH chỉ thực hiện được đối với khoảng 10,9 triệu lao động, còn lại khoảng 30% số lao động thuộc diện phải đóng tiền BHXH bắt buộc vẫn chưa thực hiện việc đóng tiền này, gây thất thu khoảng 50 ngàn tỷ đồng. Mặt khác, tiền lương để đóng BHXH của lao động thuộc khu vực sản xuất chỉ thực hiện được khoảng 50% (khoảng 20 ngàn tỷ đồng đến 30 ngàn tỷ đồng).

Như vậy sẽ thất thu khoảng 70 ngàn tỷ đồng đến 80 ngàn tỷ đồng, đây là số tiền không phải nhỏ. Điều này cũng có nghĩa là Quỹ BHXH chưa thể vỡ vào năm 2034 nếu chúng ta thu đúng, thu đủ tiền đóng BHXH theo quy định của pháp luật hiện hành. Với những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Văn Danh đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án Luật cần giải trình và làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, vì sao việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện vào năm 2016, còn các đối tượng khác được thực hiện vào năm 2020? Và cách tính mỗi năm chỉ được tăng 4 tháng tuổi mà không tính mỗi năm tăng 6 tháng tuổi, hoặc mỗi năm tăng 1 năm tuổi và thời gian nâng tuổi nghỉ hưu sớm hơn cho các đối tượng?

Hiện nay, còn khá nhiều ý kiến khác nhau, có cả băn khoăn, tranh luận về sự cần thiết và lộ trình thực hiện việc tăng tuổi nghỉ hưu hoặc sao không xem xét trước mắt chỉ nên thực hiện việc nâng tuổi nghỉ hưu (đến 60 hoặc 57, 58 tuổi) đối với nữ, để có đánh giá tác động và định ra lộ trình tiếp theo cho các đối tượng còn lại; hoặc nên tính nâng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu theo nghề nghiệp thay vì theo giới tính (Điều 187 của Bộ luật Lao động cũng có bao hàm ý này).

Thứ hai, khi đặt ra việc nâng tuổi nghỉ hưu phải đồng thời có phương án giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học để tránh lãng phí về nguồn nhân lực rất lớn của xã hội (theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả nước hiện còn trên 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm); phải có lộ trình áp dụng cho các đối tượng hợp lý hơn (kể cả các đối tượng cán bộ không chuyên trách ở cơ sở); đồng thời nên tổ chức lấy phiếu thăm dò (theo hình thức xã hội học) đối với các nhóm người lao động về nâng tuổi nghỉ hưu để có thêm thông tin, cơ sở trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên tán thành việc quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo ngành nghề, theo công tác chuyên môn, không nên theo giới tính; đồng thời việc thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình và chính sách thích hợp để nhằm mục đích đảm bảo không vỡ Quỹ BHXH.

Ngoài ra, đề nghị xem xét thành lập Bộ An sinh - Xã hội thuộc Chính phủ để quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của Quỹ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, đạt được mục tiêu chia sẻ và mục đích an sinh xã hội ở nước ta.

Liên quan đến một số vấn đề quy định khác của Luật, đại biểu Trần Văn Lan và đại biểu Nguyễn Hữu Hùng đề nghị cần tách bạch một số điều, khoản trong dự thảo Luật để quy định cụ thể về việc tham gia đóng và hưởng các chế độ BHXH của lực lượng vũ trang, lực lượng công nhân quốc phòng, công nhân công an theo nghị quyết của Đảng và các quy định khác của Nhà nước; đồng thời cần xem xét đối chiếu nhằm đảm bảo tính thống nhất về quy định của Luật này với các luật, bộ luật hiện hành; xem xét bổ sung quy định theo hướng tăng tỷ lệ thích hợp tiền lương hưu đối với các đối tượng đã nghỉ hưu trước đây nhằm đảm bảo sự công bằng chung.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.