Thứ Sáu, 20/06/2014, 07:32 (GMT+7)
.

ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng: Phát biểu về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Ngày 3-6-2014, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến về những vấn đề như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật tại Điều 1. Từ thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh thẩm phán Hội thẩm nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức tòa án quân sự năm 2002 cho thấy tổ chức và hoạt động của các tòa án nhân dân đang bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập như Tờ trình đã nêu.

Vì vậy, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) phải bao hàm tất cả những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân, trong đó có các quy định về thẩm phán, hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong tòa án nhân dân, nhằm đảm bảo các quy định về tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân được quy định thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các quy định của luật và các pháp lệnh hiện nay để bảo đảm cho Tòa án là vị trí trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp như Nghị quyết của Đảng đã đề ra về vấn đề cải cách tư pháp.

Thứ hai, về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tại Điều 2, quy định như dự thảo luật về Tòa án được thực hiện quyền tư pháp tại Khoản 1, Điều 2 là phù hợp với quy định của Hiến pháp. Những vấn đề cụ thể hóa nội hàm thực hiện quyền tư pháp thành các nhiệm vụ cụ thể của Tòa án nhân dân được nêu trong Khoản 2, Điều 2 dự thảo luật như thế nào là phù hợp?

Theo các nhà khoa học ở nước ta, về cơ bản các quan niệm đều thống nhất cho rằng quyền tư pháp là quyền xét xử các tranh chấp pháp lý dựa trên các quy định của pháp luật. Các tranh chấp này có thể chỉ là giữa những người dân hoặc các tổ chức do người dân lập ra như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xã hội với nhau. Cũng có thể là tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với người dân và tổ chức…

Quan niệm về quyền tư pháp ở Việt Nam và ở các nước phát triển tuy có chung điểm cốt lõi là quyền xét xử các tranh chấp pháp lý dựa trên các quy định của pháp luật một cách độc lập, nhưng đi vào chi tiết vẫn còn nhiều điểm khác biệt.

Quyền tư pháp ở các nước phát triển hiện nay, ngoài quyền xét xử còn bao gồm quyền giải thích pháp luật để phục vụ việc giải quyết các vụ án ấy, quyền tuyên vi hiến các hành vi của các nhánh quyền lực nhà nước. Thêm vào đó ở các nước theo hệ thống luật án lệ thì quyền tư pháp còn được hiểu bao gồm cả quyền tạo ra án lệ.

Điểm chưa thống nhất cơ bản chính là đối tượng chịu sự xét xử của quyền tư pháp, nhất là xác định cơ quan công quyền nào và loại vấn đề gì có thể phải chịu đặt dưới sự xét xử của quyền tư pháp. Nghiên cứu một cách có hệ thống các quy định của Hiến pháp và pháp luật và sự phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước cho thấy: quy định nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong thực hiện quyền tư pháp đã được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 2, Điều 2 là Tòa án xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân, gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật là phù hợp.

Tuy nhiên, các nội dung còn lại như Điểm g, Điểm h, Khoản 2, điều này quy định các nội dung tham gia ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, kiến nghị bãi bỏ văn bản trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như thế, chưa phù hợp với nội hàm của quyền tư pháp. Đây là việc làm của Tòa án nhưng chưa được đưa vào nội dung quy định tại khoản này.

Thứ ba, về tổ chức Tòa án sơ thẩm khu vực tại Điều 3. Các văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp đã đặt ra yêu cầu tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, đó là một chủ trương rất đúng đắn và để bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Độc lập xét xử là một yêu cầu cao nhất thuộc quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền.

Các quyết định xét xử không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố không liên quan gì đến vụ án, khi hình thành quyết định giải quyết vụ việc người có thẩm quyền xét xử chỉ dựa vào tình tiết khách quan của vụ việc trên cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc và tư duy của mình để ra quyết định mà không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài nào khác.

Thực tế cho thấy, khi giải quyết một vụ việc tranh chấp cụ thể có 3 nguồn áp lực chính đối với người làm công tác xét xử, đó là từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong bộ máy cầm quyền, bao gồm cả lãnh đạo của Tòa án, thẩm phán của Tòa án cấp trên; từ các bên đương sự trong vụ việc và từ dư luận xã hội, tức là áp lực xã hội, nhưng áp lực đó cần phải được ngăn ngừa bằng chính pháp luật về công tác tổ chức và hoạt động của tòa án.

Trong dự thảo Luật thể hiện 2 phương án. Phương án 1, tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; và phương án 2 tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện. Trên cơ sở phân tích những bất cập của Tòa án nhân dân cấp huyện như đã nêu trong Báo cáo tổng kết của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã nêu, thống nhất với phương án 1, bởi lý do quan trọng hơn và yêu cầu đặt ra chính là bảo đảm nguyên tắc độc lập trong xét xử của Tòa án.

Việc tổ chức Tòa án nhân dân theo hướng này là phù hợp với nguyên tắc tổ chức hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đó là tổ chức theo thẩm quyền độc lập xét xử, khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền và hạn chế bất cập khác về tổ chức hoạt động của tòa án hiện nay.

Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là điều kiện để tập trung nguồn lực, điều chỉnh hợp lý biên chế thẩm phán, cán bộ, công chức, bảo đảm chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án và từ kinh nghiệm chấn chỉnh tổ chức các tòa án quân sự khu vực cho thấy những vướng mắc được giải quyết và cũng không có nhiều trở ngại lớn. Tuy nhiên, đề nghị cần phải phân chia địa hạt tư pháp cho phù hợp với yêu cầu xét xử và thuận lợi cho nhân dân ở đồng bằng, trung du và miền núi.

Thứ tư, vấn đề bảo đảm uy tín, hiệu quả hoạt động tố tụng và hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án nhân dân quy định tại Điều 6. Điều 6 quy định nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm phạm uy tín, cản trở hoạt động tố tụng của tòa án, nghĩa vụ tôn trọng chấp hành án.

Tuy nhiên, quy định như vậy mới chỉ giải quyết được một khía cạnh của vấn đề. Vấn đề bảo đảm uy tín hoạt động hiệu quả của hoạt động tố tụng và hiệu lực củaTòa án, quyết định của Tòa án nhân dân phải được xem xét ở phạm vi rộng hơn. Đó chính là sự phán quyết của Tòa án, chất lượng xét xử của Tòa án, sự đúng đắn của bản án chính là bảo đảm uy tín hoạt động của Tòa án.

Vì lẽ đó, đề nghị cần cụ thể hóa một số yêu cầu và các điều không được làm đối với người làm công tác tòa án nói chung và đối với thẩm phán hội thẩm trong xét xử vụ án nói riêng. Đây cũng là một đòi hỏi thực tế của vấn đề đấu tranh chống tiêu cực trong công tác xét xử. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu để bổ sung nội dung quy định này vào Luật.

Thứ năm, về án lệ (quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 12) bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hiến pháp giao cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện, cùng với nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu được thực hiện bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như nghị quyết của Hội đồng thẩm phán và các thông tư liên tịch v.v... thì việc xây dựng và phát triển án lệ để các Tòa án nghiên cứu tham khảo vận dụng, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, đây là việc rất cần thiết.

Tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban tư pháp, án lệ ở Việt Nam không phải là văn bản quy phạm áp luật mà là những quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được coi là mẫu mực khi giải quyết các vụ việc cụ thể và để tham khảo vận dụng. Tuy nhiên, đề nghị cần phải xác định rõ hơn nội hàm của án lệ theo quan niệm của chúng ta.

Thứ sáu, về nhiệm kỳ của thẩm phán, đề nghị thống nhất thực hiện theo phương án hai; bởi lẽ, vấn đề xác định nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm là cần thiết để kịp thời đánh giá chất lượng thẩm phán ngay từ đầu để có phương án sử dụng đúng.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.