Đoàn ĐBQH TG: Đánh giá&kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo
Thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi chủ tọa kỳ họp những nội dung đánh giá về kết quả thực hiện cùng với những kiến nghị cụ thể như sau:
Có thể khẳng định rằng, Chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mặc dù kinh tế đất nước còn không ít khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng.
An sinh xã hội và giảm nghèo luôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Chính phủ những năm qua. Những thành tựu có được trong xóa đói giảm nghèo là nhờ sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và cá nhân.
Việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo tại địa phương đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện một cách đầy đủ, rộng khắp đến từng thôn, xóm và hộ gia đình. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo như:
Khuyến nông, khuyến ngư, cho vay ưu đãi, đào tạo nghề, y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý… đã tạo động lực và làm đòn bẩy cho hộ nghèo chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khắp cả các địa phương trong cả nước.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được quan tâm, đó là:
Thứ nhất, các chính sách, dự án chưa tạo được sự gắn kết chung trong giảm nghèo, còn có sự chồng chéo giữa chương trình, mục tiêu giảm nghèo và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác, dẫn đến hiệu quả không cao trong việc sử dụng các nguồn lực cho giảm nghèo.
Chưa coi trọng chính sách hỗ trợ người nghèo để đa dạng hóa sinh kế, mới chỉ quan tâm đến các chỉ tiêu định lượng mà chưa quan tâm đến kết quả hoặc tác động của các chính sách, dự án đối với chất lượng công tác xóa đói giảm nghèo.
Một số chính sách còn mang nặng tính bao cấp nên phát sinh tư tưởng ỷ lại của các cấp cũng như của người nghèo muốn được vào danh sách nghèo để được trợ giúp. Các chính sách hỗ trợ nhóm hộ cận nghèo chưa được quan tâm đúng mức, tạo ra tâm lý bức xúc của nhóm hộ cận nghèo khi đời sống của họ lại trở nên khó khăn hơn những hộ nghèo sau khi được Chương trình Giảm nghèo hỗ trợ.
Thứ hai, trong phân cấp quản lý và giao kế hoạch, nguồn lực giảm nghèo hiện nay chưa khuyến khích vai trò và tính chủ động của địa phương; việc phân bổ dự toán ở nhiều địa phương còn mang tính bình quân, dàn trải và còn chậm; công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực từ cộng đồng còn hạn chế, lại thiếu cơ chế điều tiết nên chưa hướng đúng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thứ ba, có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo nên chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân, trong khi các hoạt động truyền thông xóa đói giảm nghèo còn hạn chế nên người dân chưa có nhận thức đúng nhu cầu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Một bộ phận không nhỏ người nghèo, xã nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.
Thứ tư, hạn chế về phát triển nguồn nhân lực để giảm nghèo; các hình thức dạy nghề chưa phù hợp, chưa góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân.
Lao động địa phương chủ yếu chưa qua đào tạo, không có tay nghề cao nên rất khó tạo được việc làm tại chỗ cũng như tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước; còn hạn chế trong việc đưa các chương trình hỗ trợ dịch vụ sản xuất, khuyến nông, lâm, thú y, bảo vệ thực vật đến với người dân.
Thứ năm, công tác theo dõi, giám sát, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Giảm nghèo còn thiếu thông tin và chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đề nghị một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân nói chung và của hộ nghèo nói riêng trong việc chủ động và thực hiện có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, cần tăng cường các giải pháp thực hiện có hiệu quả hoạt động giáo dục trong thanh thiếu niên hiểu được giá trị của những thành quả mà các em đang được hưởng thụ và ý nghĩa của sự tương trợ truyền thống của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách”, tránh xu hướng phát triển ý thức vô cảm với cộng đồng, để trong tương lai đất nước chúng ta có thể có được một thế hệ trẻ phát triển toàn diện hơn, hoàn hảo hơn về nhân cách và trách nhiệm với cộng đồng.
Thứ hai, tăng cường các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng sau trung học cơ sở, công tác hướng nghiệp và dạy nghề gắn với tạo việc làm sau khi tốt nghiệp để giải quyết có hiệu quả tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tốt nghiệp không có việc làm hoặc việc làm không đúng chuyên ngành được đào tạo; đồng thời tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động. Đó là những giải pháp căn cơ giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Thứ ba, tập trung thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là việc theo dõi việc sử dụng lao động sau đào tạo để kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện chính sách này, giúp công tác đào tạo nghề thực sự mang lại hiệu quả và giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Thứ tư, nước ta là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số làm nông nghiệp. Do vậy, để việc giảm nghèo thực sự mang lại hiệu quả và có tính bền vững lâu dài thì việc đầu tư cho nông nghiệp là yêu cầu bức thiết nhất hiện nay, trong đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển ngành Nông nghiệp nước ta như:
Tập trung quy hoạch các vùng chuyên canh; đầu tư phát triển phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; chuyển dần từ hình thức nông nghiệp sản xuất sang nông nghiệp chế biến gắn với tìm thị trường ổn định lâu dài…;
Đồng thời có chính sách khuyến khích các tập đoàn, các tổng công ty, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước nỗ lực khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh để tích cực tham gia có hiệu quả, có trách nhiệm trong công tác giảm nghèo bền vững thông qua việc tạo điều kiện để người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Bên cạnh đó, cần nâng cao tính chính xác trong công tác dự báo biến đổi khí hậu nhằm giúp người dân chủ động phòng, tránh các hệ quả do bị ảnh hưởng, tác động từ những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp như thiên tai, có thể được cho là nguyên nhân chủ yếu gây nên hoàn cảnh nghèo khó đối với từng hộ gia đình sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, các bộ, ngành cần sớm ban hành các thông tư có liên quan để hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, cánh đồng mẫu lớn nhằm đẩy mạnh hơn nữa liên kết “4 nhà” để giải quyết căn cơ cái khó của người nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.
Thứ sáu, cần thực hiện việc phân rõ đối tượng là hộ nghèo và những người cần được bảo trợ xã hội thành 2 nhóm khác nhau để có chính sách và giải pháp hỗ trợ cho phù hợp. Bởi các đối tượng như người già neo đơn hoặc người bị bệnh tật hiểm nghèo là các đối tượng nghèo cần được thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội nên khó có thể đặt ra yêu cầu thoát nghèo.
Thứ bảy, cần có lộ trình giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” và tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm và khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo; đồng thời trong công tác cho vay hỗ trợ hộ nghèo cần có cơ chế giám sát hiệu quả sử dụng của đồng vốn vay nhằm vừa tăng hiệu quả hoạt động cho vay, vừa thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người vay và tổ chức cho vay.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)