Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư
Giáo sư Hoàng Chí Bảo đóng góp ý kiến về việc xuất bản sách lý luận, chính trị trong thời gian tới. |
Ngày 11-6, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư, chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần xây dựng nền xuất bản Việt Nam độc lập, tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với những thành tựu chung của ngành xuất bản, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, cơ cấu và thể loại, góp phần tích cực giữ vững định hướng chính trị tư tưởng, làm tốt chức năng cung cấp thông tin, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí.
Công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội; phê phán, đấu tranh với các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch; tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, giới thiệu các điển hình tiên tiến; tham gia tích cực vào công tác thông tin đối ngoại.
Các nhà xuất bản luôn quan tâm cải tiến công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, từng bước thích ứng dần với cơ chế thị trường và nhu cầu của bạn đọc. Sách lý luận, chính trị phổ thông được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, đề tài sát với nhu cầu trang bị kiến thức lý luận, chính trị của từng đối tượng.
Hình thức sách ngày càng đổi mới, trang trọng, hấp dẫn hơn. Công nghệ in sách có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng in và thời gian ra sách. Hoạt động phát hành sách nói chung, sách lý luận, chính trị nói riêng có nhiều chuyển biến.
Cùng với những kết quả đạt được trên, việc thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư vẫn còn những hạn chế như:
Còn một bộ phận người làm công tác xuất bản chưa nhận thức đúng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Chỉ thị số 20-CT/TW, chưa phân biệt rõ giữa chủ trương khuyến khích xã hội hóa hoạt động xuất bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với việc xuất bản sách vì mục tiêu lợi nhuận, từ đó coi nhẹ chức năng giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa của hoạt động xuất bản, lơ là mảng sách lý luận, chính trị.
Công tác kiểm tra, giám sát còn yếu, hiện tượng vi phạm bản quyền, in lậu, trốn thuế... tràn lan chưa được ngăn chặn có hiệu quả, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường xuất bản phẩm.
Sách hay, có giá trị về lý luận, chính trị còn ít. Một số ấn phẩm còn sai sót về nội dung và hình thức. Chưa thật sự chú trọng sách cẩm nang cho cán bộ cơ sở, sách lý luận, chính trị phổ thông,...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong thời gian tới, hội nghị đề ra một số giải pháp:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị;
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị;
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập viên, cán bộ lãnh đạo quản lý xuất bản; thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị;
Tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả sách lý luận, chính trị; phát huy vai trò nòng cốt của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật trong công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.
THANH HIỀN