Mừng 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
TS. TRẦN THẾ NGỌC
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, một dấu ấn lịch sử, kết tinh của bao hy sinh cống hiến, kể cả máu xương của hàng thế hệ người cầm bút, trải dài suốt 89 năm nổi trôi theo vận nước thịnh suy để có được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay.
Lực lượng báo chí luôn giữ vai trò nòng cốt trên mặt trận tư tưởng chính trị, thúc đẩy quá trình xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đầy tính nhân văn và hiện đại, hướng đến một xã hội công bằng, ấm no, hạnh phúc.
Công cuộc đấu tranh của những nhà báo chân chính vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn đang được tập trung một cách quyết liệt, nhất là trong tình hình vùng chủ quyền hải đảo nước ta bị xâm phạm một cách thô bạo, nhiều bài viết sắc bén đã khơi dậy lòng yêu nước dâng lên đỉnh điểm, dù người dân đang ở trong nước hay định cư hải ngoại; đồng thời cũng đã kiềm chế dần những hành động quá khích, xem thường pháp luật và dễ rơi vào bẫy của các thế lực thù địch.
Cũng chính vì báo chí cách mạng đang là một trong những tâm điểm của mọi lực lượng xã hội, nên nhà báo càng phải giữ gìn phẩm chất của người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, thể hiện sự trong sáng trong ứng xử, hành động và độ chính xác của những thông tin cung cấp đến độc giả. Điểm báo hàng ngày, chúng ta sẽ thấy có quá nhiều bản tin thường khi nội dung trùng lắp, lắm khi quan điểm trái chiều và đôi khi đường lối bị sai lệch.
Mọi thách thức trên đời dễ phát sinh ở buổi khởi đầu và giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã khai sinh 89 năm, nhanh chóng trưởng thành theo suốt chiều dài đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, nay đang ở thời kỳ muôn hoa đua nở của các loại hình thông tin.
Nước ta hiện có hệ thống thông tin truyền thông đại chúng khá hùng hậu với trên 700 tờ báo, tạp chí; bên cạnh đó là hệ thống truyền thanh, truyền hình phủ khắp cả nước với 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; có 62 báo, tạp chí điện tử, trong đó có 16 báo, tạp chí điện tử độc lập; khoảng 300 trang tin điện tử của các báo, tạp chí và Đài Phát thanh - Truyền hình.
Về đội ngũ cán bộ báo chí, cả nước hiện có gần 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ và 19.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Thiếu vắng thông tin làm con người giảm sút tư duy, nhưng tràn ngập thông tin dễ dẫn đến rối loạn tư duy, có nên chăng bàn đến việc cơ cấu lại hệ thống báo chí, trên cơ sở không ngừng phát huy dân chủ và thiết chế số lượng, loại hình báo chí phù hợp với nhu cầu thực tế của mặt trận thông tin.
Gạn đục khơi trong, không chỉ chú trọng về mặt nhân cách mà cả về mặt trình độ, nghiệp dĩ vốn là một quá trình trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tụy hết lòng phụng sự nhân dân. Một thực trạng đặt ra là, trên văn đàn cũng như làng báo gần đây thiếu hẳn những tác phẩm lớn, những nhà báo có tầm cỡ, trở thành cây cao của nền văn hóa đương đại và bóng cả của công cuộc chống tệ quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Chắc hẳn có nhiều lý do, nhưng nguyên cớ sâu xa nhất là công tác tư tưởng chưa được nâng cao để đáp ứng yêu cầu chính trị của Đảng ta. Bên cạnh đó, hiện hiếm có những cây viết sẵn sàng dấn thân vào những ngóc ngách hiểm nguy của xã hội, quên mình cho công việc tải đạo với ngòi bút chẳng bao giờ tà.
89 năm, một chặng đường dài, cuộc hành trình còn dặm ngàn thiên lý, người lữ hành lại có bao bộn bề lo toan, nhưng chính những trở lực sẽ thành động lực đưa con người đạt tới thành công ở tầm mức cao hơn. Xin chúc Hội Nhà báo và những người làm báo luôn vững tay chèo, theo dòng Tiền Giang xuôi ra biển lớn, vượt mọi thác ghềnh để hoàn thành chức trách cao cả của mình!
TTN