Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7-2014
Đội mũ bảo hiểm rởm bị phạt, quy định luật đất đai mới, quy định mới về bán hàng đa cấp… có hiệu lực từ 1-7-2014, là những chính sách mới mà người dân cần biết.
Đội mũ bảo hiểm rởm bị phạt
Bắt đầu từ 1-7, thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng chức năng trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, lần này kể cả người sử dụng, đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi lưu thông trên đường cũng sẽ bị xử phạt.
Theo đó, người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không đủ các thành phần (vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo; không có tem CR, không có nhãn hàng hóa...) sẽ bị cho là không đội mũ bảo hiểm và sẽ bị xử phạt với mức tương tự như không đội mũ bảo hiểm (từ 100.000 đến 200.000 đồng).
Được phép kinh doanh dịch vụ Phòng cháy chữa cháy
Theo quy định tại Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 thì kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới.
Cụ thể người kinh doanh dịch vụ PCCC được cung cấp dịch vụ như tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; thi công, lắp đặt hệ thống PCCC; tư vấn chuyển giao công nghệ PCCC; sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC; Huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ PCCC; Kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư PCCC.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định thêm về điều kiện để được kinh doanh dịch vụ PCCC bao gồm các điều kiện đối với chủ DN kinh doanh và các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện…
Luật cũng bổ sung quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở hạt nhân, sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ…Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cũ nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bàn hàng đa cấp (BHĐC) có hiệu lực bắt đầu từ 1-7 có nhiều nội dung đáng chú ý. Theo đó, nghiêm cấm các doanh nghiệp BHĐC yêu cầu người tham gia bán hàng phải đặt cọc, đóng tiền hoặc mua hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới BHĐC.
Nghị định mới sẽ siết chặt khá nhiều nội dung trong vấn đề quản lý loại hình kinh doanh, đơn cử là việc cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp, yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo kiến thức cơ bản phải trả tiền hoặc phí, không cam kết nhận lại hàng hóa (Mô hình kim tự tháp: là mô hình mà ở đó thu nhập chủ yếu của người tham gia có từ việc tuyển dụng người tham gia mới; gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới.).
Nghị định cũng quy định doanh nghiệp đăng ký BHĐC phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền bằng 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại ngân hàng. Việc ký quỹ là nhằm đảm bảo quyền lợi đối với người tham gia BHĐC khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Người đứng đầu cơ quan phải tiếp công dân
Luật Tiếp công dân được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về tổ chức và hoạt động tiếp công dân, gồm 9 chương, 36 điều.
Về trách nhiệm của người tiếp công dân, Luật quy định người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật…
Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình; đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.
Đảm bảo quyền lợi của người dân khi thu hồi đất
Từ ngày 1-7 Luật Đất đai 2013 bắt đầu có hiệu lực với những điểm mới, một trong những điểm đáng chú ý trong các nghị định trên là quy định cụ thể 8 trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; vẫn ngoại lệ cấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất đang sử dụng có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu (dưới 30m2).
Trong đó, thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh, không tranh chấp, thì chủ sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Luật cũng quy định chế tài mạnh đối với chậm đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng, quy định đầy đủ, rõ ràng về những trường hợp thật cần thiết mà nhà nước phải thu hồi. Theo luật mới, giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Điểm quan trọng nữa của luật đất đai 2013 là quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất.
Luật Đất đai 2013 cũng quy định cụ thể các trường hợp sử dụng đất được và không được cấp sổ đỏ, quy định về cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất (trường hợp có hoặc không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2014.
(Theo giaoduc.net)