Góp ý dự án Luật SĐ, BS một số điều của Luật HKDD Việt Nam
Vừa qua, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung dự án Luật, Báo cáo thẩm tra dự án Luật và các tài liệu có liên quan, cùng với thực tế quá trình tổ chức thực thi Luật, đại biểu Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng:
Qua 7 năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã cho thấy hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động hàng không dân dụng đã được luật hóa và tạo cơ sở pháp lý, chuẩn mực hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành Hàng không.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ thể tham gia vào quan hệ được điều chỉnh bởi Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đã bộc lộ nhiều bất cập giữa quy định của nhiều văn bản pháp luật khác nhau đối với cùng một vấn đề như:
Nhà chức trách hàng không; hoạt động thanh tra chuyên ngành Hàng không; quản lý giá - phí, thương hiệu, nhượng quyền thương mại kinh doanh vận chuyển hàng không… rất cần được rà soát, bổ sung để điều chỉnh kịp thời, đầy đủ trong các quy định của Luật, nhất là đối với vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm “Nhà chức trách hàng không” và xác định rõ chủ thể nào là “Nhà chức trách hàng không”. Bởi hiện nay hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đang có những quy định khác nhau về vấn đề này (Quyết định 94 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ xác định “Nhà chức trách hàng không” của Việt Nam là Cục Hàng không Việt Nam; trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có văn bản xác định “Nhà chức trách hàng không” là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, có văn bản xác định là Bộ Giao thông).
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng. Nếu dự thảo Luật bổ sung quy định “Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải là “Nhà chức trách hàng không”, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện việc quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật” là chưa phù hợp.
Về an ninh hàng không, để đảm bảo thực hiện tốt an ninh hàng không, dự thảo Luật cần ghi rõ thẩm quyền của các cơ quan làm công tác đảm bảo an ninh hàng không, nhất là đối với công tác phối hợp quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông - Vận tải sao cho tránh chồng chéo, phù hợp với các Điều ước Quốc tế về hàng không mà Việt Nam tham gia.
Mặt khác, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét quy định cụ thể về quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nhằm phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh hàng không của các lực lượng khi làm nhiệm vụ; còn việc trang bị loại vũ khí nào, công cụ hỗ trợ gì thì thực hiện theo quy định của pháp luật về sử dụng vũ khí.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)