Thứ Sáu, 27/06/2014, 08:38 (GMT+7)
.

Tiễn biệt một cán bộ cả đời vì dân

Trưa 25-6, trời nắng nhẹ. Hàng trăm người dân và cán bộ ở Tiền Giang lặng lẽ tiễn đưa linh cữu ông Nguyễn Công Bình (Sáu Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Dẫu biết rằng ông ra đi mãi mãi ở tuổi 92 là điều không quá bất ngờ, nhưng bất kỳ ai cũng bị sốc khi hay tin ông mất.

Cá nhân tôi cũng vậy. Mới nhìn thấy ông ngồi trước nhà uống trà, đọc báo một mình. Mới nghe người bán báo nhắn lại: “Ông Sáu hỏi sao lâu quá thằng Trường không tới để tao hỏi công chuyện”. Vậy mà ông đã ra đi…

Ông Sáu Bình đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Tiền Giang ngày 22-5-2011. Ảnh: V.T
Ông Sáu Bình đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Tiền Giang ngày 22-5-2011. Ảnh: V.T

Với người dân Tiền Giang, đặc biệt là vùng kinh tế mới Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, vùng ngọt hóa Gò Công, vùng chuyên canh lúa Cái Bè, Cai Lậy thì ông Sáu Bình là một cán bộ gần dân, vì dân thực sự. Khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (1976 - 1986), ông luôn nghĩ ra những chính sách mới để giúp dân no cơm, ấm áo.

Ông cũng là vị lãnh đạo tỉnh dám đứng ra xin lỗi dân khi cấp dưới làm sai. Đó là vào năm 1976 - 1977. Khi đó cánh đồng lúa ở huyện Cái Bè trổ bông thì gặp dịch rầy nâu. Lo ngại dịch lây lan gây mất mùa, chính quyền vận động dân bỏ lúa nhiễm rầy không được đã nóng vội đưa máy xuống trục bỏ, gieo sạ giống mới khiến nông dân phản ứng quyết liệt.

Ông Sáu Bình xuống tận nơi kiểm tra rồi đứng trước dân nhận lỗi: “Tôi là người chịu trách nhiệm quản lý sản xuất trong tỉnh nhưng không bao quát hết, để xảy ra vụ trục phá lúa. Tôi xin nhận lỗi với bà con cô bác, anh chị. Để khắc phục hậu quả này, tôi chịu trách nhiệm đề xuất kinh phí mua lúa giống hoàn lại cho bà con kịp gieo sạ vụ mới”. Nông dân vỗ tay rần rần. Vụ lúa sau đó rất trúng nên ai cũng tin tưởng người đứng đầu UBND tỉnh.

Năm sau đó cả nước thiếu lương thực, ông Sáu Bình đã đứng ra vận động dân bán lúa, nộp thuế đầy đủ để hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh và miền Bắc. Ngay sau đó tỉnh Tiền Giang gánh chịu một trận lũ kinh hoàng khiến dân lâm cảnh đói khát, trộm cướp hoành hành. Hàng ngàn gia đình phải tha phương cầu thực.

Ông Sáu Bình ra Trung ương xin được 8.000 tấn lúa mì về cứu đói cho dân rồi ban hành một chủ trương táo bạo: “Ai bám trụ lại để tiếp tục sản xuất sẽ được chính quyền cấp toàn bộ xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống, cấp lương thực ăn trong 3 tháng. Nếu ai bỏ đi thì sẽ bị mất quyền sử dụng đất”. Thế là người dân ở lại.

Vụ đông xuân 1978 - 1979 trúng bể bồ nên họ càng tin tưởng, yêu mến ông Sáu Bình hơn. Những năm sau đó, ông cũng là người tiên phong chủ trương tiến công vào Đồng Tháp Mười khai hoang và thực hiện Chương trình ngọt hóa Gò Công. Bây giờ vùng Đồng Tháp Mười không còn tấc đất nào hoang; vùng Gò Công không còn nhiễm mặn mà trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Những ngày này tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương chuẩn bị kỷ niệm 25 năm khai phá Đồng Tháp Mười thì ông đã ra đi.

Ông Sáu Bình là một người làm việc không biết mệt mỏi. Khi nghỉ hưu rồi nhưng ông vẫn đi dự các cuộc họp HĐND tỉnh 2 lần/năm cho đến khi gần 90 tuổi mới nghỉ vì lý do sức khỏe. Ông luôn muốn nghe, muốn biết tình hình kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Hàng ngày ông đều đọc báo. Tôi rất cảm động khi ông gọi tôi đến nhà và nói rằng: “Tao thích đọc Báo Tuổi Trẻ nhất. Chỉ có tờ này dám nói thẳng, nói thật, nói những cái mà dân bức xúc không biết kêu ai. Ngày nào thằng Trực (người giao báo) cũng ghé đưa báo cho tao trước rồi mới đi giao chỗ khác”.

Ông còn bảo tôi nếu rảnh thì ghé nhà uống trà, bàn chuyện thời sự với ông vì “có nhiều chuyện mày biết mà không viết, không đăng báo thì nói tao nghe”. Nhiều lúc bận quá tôi không đến được thì ông gọi điện hoặc nhắn anh Trực giao báo kêu tôi tới. Những lần tôi đến, ông đều tự tay pha trà, lấy bánh ngọt đem ra chiếc bàn tròn trước sân chứ không cho tôi đụng tay vào vì “để tao đi tới đi lui tập thể dục luôn”.

Bao lần như một, chuyện mà ông Sáu Bình muốn hỏi tôi đều liên quan đến người dân. Ông hỏi người dân ở huyện này, huyện kia sống ra sao; lúa thóc, trái cây có bán được giá không; bà con có còn đi khiếu kiện đông người nữa không; các khu công nghiệp hoạt động thế nào, dân ở đó sống có khá hơn chưa…

Nghe những chuyện vui, ông cười thật tươi, gương mặt thật là phúc hậu. Còn với những chuyện chưa “ngon” lắm, ông nhíu mày lại, tỏ ra lo lắng. Ông muốn biết nhiều thứ lắm, nhưng có những chuyện tôi giấu biệt vì sợ nói ra sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của ông.

Tôi còn nhớ rất rõ vụ người dân xã Tân Hương, huyện Châu Thành khiếu kiện tập thể gay gắt, kéo dài về việc tỉnh thu hồi đất ruộng làm khu công nghiệp mấy năm trước. Ở nhà, ông nghe nói mấy chục người dân ngồi trước trụ sở HĐND và UBND tỉnh ngày này qua ngày khác, ông đã đề nghị các ngành báo cáo lại diễn biến vụ việc.

Vẫn không yên lòng, ông nhờ tôi đưa ông đến tận khu công nghiệp để gặp những người dân khiếu kiện, dù lúc này ông đi đứng rất khó khăn. Sau đó ông về gặp lãnh đạo tỉnh trao đổi, góp ý cách giải quyết sao cho dân đồng tình. Và rồi nhiều chế độ, chính sách được tỉnh bổ sung, giúp họ vượt qua được khó khăn sau khi bị thu hồi đất. Dân không còn khiếu kiện nữa.

Ông Sáu Bình đã ra đi mãi mãi. Nhưng tin chắc rằng rất nhiều, rất nhiều người dân ở tỉnh Tiền Giang, trong đó có tôi luôn thương nhớ ông - một người lãnh đạo đã sống và làm việc thật sự tận tụy vì dân.

VÂN TRƯỜNG

.
.
.